Tình trạng đóng băng, lao dốc của thị trường nhà đất hiện nay là hệ quả rõ ràng của chủ trương siết, "đánh" thị trường quá mức, nhưng đồng thời nó kéo theo sự đình trệ, đi xuống của một loạt ngành sản xuất khác và đang có những dấu hiệu khá rõ ảnh hưởng xấu, kéo theo sự đi xuống của toàn bộ nền kinh tế.
Chính sách siết , "đánh" BĐS của VN không biết có "học" Trung Quốc không. Nhưng ngay TQ, gần đây, nhận thấy sai lầm về chính sách với thị trường này trong năm 2011 và các tháng đầu năm 2022, khiến thị trường nhà đất đại khủng hoảng, có nguy cơ đẩy nền kinh tế của mình rơi xuống vực thẳm, nước này đã có những chuyển hướng chính sách rất nhanh chóng với thị trường BĐS đồng thời với những nới lỏng nhất định với chính sách "Zero Covid".
Chỉ trong vòng 1 tháng qua, Trung Quốc bắt đầu tung ra một gói giải cứu BĐS lớn chưa từng có với khoảng 1000 tỷ nhân dân tệ (140 tỷ USD) để triển khai khoản vay đặc biệt thông qua các ngân hàng chính sách, đảm bảo các dự án bất động sản được hoàn thành. Trung Quốc cũng đã mở rộng một chương trình hỗ trợ tài chính quan trọng dành cho các công ty tư nhân bao gồm các công ty bất động sản lên khoảng 250 tỉ nhân dân tệ vào tuần trước. Đây là động thái có thể giúp các công ty bất động sản bán được nhiều trái phiếu hơn, giúp giảm bớt khó khăn về thanh khoản.
Không chỉ có thế, Trung Quốc đồng thời cho triển khai 16 các chính sách mới để khai thông bế tắc thị trường nhà đất, không chỉ nhằm hỗ trợ các dự án bđs, các chủ đầu tư dự án mà cả với người mua nhà như chính sách nới lỏng yêu cầu thanh toán đối với người mua nhà trả góp, xử lý các vướng mắc với các DN...nhờ các chính sách này, chỉ trong vòng 2 tuần qua, thị trường BĐS Trung Quốc đã có dấu hiệu hồi phục, trái phiếu, cổ phiếu các DN BDS nước này tăng trưởng rất mạnh, kéo theo sự phục hồi của nhiều ngành sản xuất khác..
Tình trạng đóng băng, khủng hoảng của thị trường BĐS Việt Nam cũng không khác gì lắm thị trường TQ cho dù nếu so sánh về qui mô thì VN chẳng là cái gì (qui mô thị trg BĐS TQ là 2.500 tỷ USD). Nhưng những diễn biến của 2 thị trường khá giống nhau. Ở Việt Nam, việc siết chặt tín dụng với BĐS, siết chặt chính sách quản lý, truy thu các kiểu, những đòn "đánh" vào các đại gia lớn ...trong nửa cuối năm 2022 như đã thấy, đã khiến thị trường xuống dốc không phanh. Hầu như tất cả các thị trường, các phân khúc thị trường BĐS bị đóng băng (chắc trừ phân khúc bđs nghĩa trang), các doanh nghiệp BĐS đình đốn hoạt động, cắt giảm nhân sự...
Đã có những DN phá sản, sa thải, giảm 50-60% nhân sự, lương lậu của nhân viên...và đã có những dấu hiệu đình đốn lan sang các ngành sản xuất, kinh doanh liên quan: Xi măng, sắt thép...giá cổ phiếu các DN các ngành này cũng đồng loạt lao dốc.
Chính phủ VN có vẻ cũng đã lo lắng về thực tế này và liên tục trong mấy tuần qua đã có những động thái đầu tiên để cứu thị trường BĐS như việc chỉ đạo lập ra các tổ công tác đi đánh giá thị trường, đề xuất giải pháp, chỉ đạo nới room tín dụng trong đó có phần dành cho BĐS. Các động tác này nói chung vẫn là yếu ớt, và chỉ là bước đầu, để ra được một gói chính sách mạnh mẽ cứu thị trường như ở TQ chắc cũng còn lâu lắm và đến lúc ra được thì cũng khối ông DN chết hẳn rồi. Nhưng dù sao, bước đầu như vậy, có vẫn hơn không.
Ấy thế nhưng đến giờ này vẫn còn có khối ông, trong đó có cả mấy ông tự nhận là "chuyên gia", "chuyên gia kinh tế", chuyên gia BĐS cho rằng thị trường BĐS không cần giải cứu nọ kia, nói rằng giải cứu DN BĐS là vô ích, nên tập trung cho các ngành sản xuất, xnk ...kia kìa. Họ hoàn toàn không đếm xỉa đến vấn đề, trong một nền kinh tế, có nhiều ngành sản xuất, kinh doanh vẫn phải có những lĩnh vực then chốt, dẫn dắt. Thúc đẩy phát triển những lĩnh vực, ngành nghề chính đó sẽ lan tỏa, kéo theo sự phát triển các ngành khác. Như hàng không, du lịch phát triển nó cũng kéo theo phát triển thương mại, dịch vụ của nhiều địa phương.
Nhưng lĩnh vực BĐS còn hơn thế, người ta liệt kê có tới 40 ngành, lĩnh vực "ăn theo" BĐS: Điện, vật liệu điện, điện tử, xi măng, sắt thép...Những khu đô thị qui mô lớn phải dùng hàng chục ngàn tấn các vật liệu sản xuất ấy. Cho nên một khi thị trường BĐS chết lặng, không ra được dự án mới như ở thời điểm hiện nay và nếu nó kéo dài thì hàng loạt các ngành sản xuất đó chết theo, hàng triệu người thất nghiệp mà giá nhà ở, giá căn hộ sẽ tiếp tục tăng do thiếu hụt nguồn cung. Do đó, cứu thị trường BĐS không phải là cứu các đại gia, cứu ngành đó không thôi mà là cứu các ngành sản xuất khác, cứu hàng triệu người thất nghiệp, cứu cả nền kinh tế đất nước này.
Không cứu thị trường BĐS, bảo dành nguồn vốn cho sản xuất, nhưng sản xuất cũng đình đốn, làm hàng ra rồi chất đống trong kho, không bán nổi thì cũng để làm gì? Hơn nữa, nếu thị trường BĐS "chết", nguồn thu ngân sách cũng sẽ giảm rất mạnh. Trong các năm 2021 và cả năm 2022, thu ngân sách vẫn gia tăng mạnh cho dù là 2021 là năm Covid hoành hành và 2022 là hậu Covid, thì sự gia tăng này chủ yếu là các nguồn thu từ BĐS cả, nhiều địa phương 6 tháng đã hoàn thành chỉ tiêu thu cả năm nhờ BĐS. Thế nếu, thị trường nhà đất "chết" hẳn, nguồn thu giảm quá mạnh thì tiền đâu cho các chương trình đầu tư công, phục hồi nền kinh tế, hỗ trợ các DN khác?
Học Trung Quốc, trong chính sách ở lĩnh vực này, chẳng có gì là sai cả. Giới lãnh đạo TQ đã khá bảo thủ về chính sách nhưng sự nguy hiểm về hậu quả trong chính sách với thị trường này trước đây với cả nền kinh tế đã khiến họ buộc phải thay đổi và ra quyết sách mạnh như vậy để cứu thị trường, sao không đáng để Việt Nam tham khảo? Có những cái không đáng học họ thì lại học còn cái đang rất đáng bắt chước thì lại ỡm ờ!