Bạn sợ nợ.
Sợ cảm giác mỗi tháng đều phải trả góp, nặng nề như gánh đá trên vai.
Sợ không trả nổi rồi mất tất cả.
Sợ lãi suất như cái hố không đáy.
Và sâu thẳm hơn cả, bạn sợ bị "trói buộc”.
Sau đợt phá sản năm 2009, Helena cũng từng sợ nợ đến rùng mình, cũng vì dùng đòn bẩy tài chính quá đà, thiếu kiến thức mà mất hết tài sản.
Đến mấy năm sau đó vẫn còn sợ, mãi đến khi đi học các lớp quản lý tài chính & đầu tư bất động sản bài bản ở nhiều nước Anh, Mỹ, Hongkong, Malaysia,...Helena mới hiểu được bản chất của nợ mà thoát khỏi tâm lý sợ.
Bạn có bao giờ tự hỏi: Liệu nợ thật sự đáng sợ, hay chỉ là bạn đang mông lung vì không nắm rõ kiến thức tài chính?”
Thay vì đợi đủ tiền mới đi xem nhà và mua căn đầu tiên vì tâm lý sợ nợ, hãy cùng Helena nhìn một bức tranh toàn diện hơn:
1. Đủ tiền chưa chắc mua được nhà
Giá bất động sản không chờ bạn. Hôm nay bạn nghĩ "chưa đủ”, nhưng một năm sau khi bạn "đủ”, giá nhà có thể đã tăng thêm vài trăm triệu, thậm chí cả tỷ đồng.
2. Càng chờ, bạn càng đẩy cơ hội ra xa
Nhớ lại căn nhà đầu tiên Helena mua cách đây 18 năm là căn hộ Mỹ Viên 1 tỷ 9 ở Phú Mỹ Hưng. Lúc đó, tiền trong tay của cả mình và chồng chẳng nhiều, chỉ có 300 triệu nhưng mình quyết định cứ đi xem nhà. Xem được căn ưng ý, thì mình và người yêu khi ấy mới quyết định đi đăng ký kết hôn luôn để đủ điều kiện có khoản vay tốt.
Căn nhà đầu tiên ấy lại chính là đòn bẩy để Helena bước tiếp trên con đường đầu tư, giúp mình tự do tài chính được như hôm nay.
3. Đi xem nhà là cách luyện tập tư duy đầu tư
Xem nhà không chỉ là chọn nơi ở, mà còn là học cách đánh giá giá trị bất động sản.
• Khu này có tiềm năng tăng giá không?
• Hàng xóm, tiện ích, pháp lý như thế nào?
• Làm sao thương lượng để mua được giá tốt nhất?
Bạn không cần chờ "đủ tiền" mới học những điều này. Mỗi lần đi xem nhà là một lần bạn rèn luyện tư duy, tự tin hơn, hiểu rõ hơn về thị trường.
4. Sợ nợ chỉ vì bạn chưa hiểu rõ đòn bẩy
Người giàu dùng nợ để tạo ra tài sản. Còn số đông lại sợ nợ như sợ lửa.
Có bạn từng hỏi Helena: Chị ơi em thấy cứ đi ở thuê cũng ổn mà, chi phí cũng rẻ, không phải lo lắng mệt đầu.
Đúng là đỡ lo lắng mệt đầu, nhưng chủ nhà cho em thuê đang dùng chính tiền em trả hàng tháng để trả lãi suất ngân hàng. Sau nhiều năm, họ có căn nhà, còn em vẫn đi ở thuê.
Căn nhà đầu tiên có thể là bước đệm để bạn hiểu cách "nợ tốt" vận hành:
• Làm sao dùng vốn vay để tạo dòng tiền dương?
• Làm sao để căn nhà "đẻ" ra căn nhà tiếp theo?
Khi nắm vững kiến thức tài chính, thì nợ chính là một công cụ rất mạnh, có thể x10 được con đường đến tự do tài chính.
5. Đầu tư sớm không phải vì nhà, mà vì tương lai tự do.
Hãy hình dung bạn của 5 năm tới: Sống trong căn nhà mình tự mua, không phải lo tiền thuê trọ mỗi tháng. Có tài sản đảm bảo để dùng làm đòn bẩy cho những dự án lớn hơn. Xây dựng sự tự do tài chính từ nền tảng vững chắc. Mua căn nhà đầu tiên không phải chỉ để sở hữu tài sản. Đó là cách bạn bắt đầu kiểm soát tương lai của mình.
Nguồn: Helena