Chia sẻ với Diễn đàn Doanh nghiệp, Luật sư Trương Anh Tú, Chủ tịch TAT Lawfirm cho rằng thực chất trái phiếu doanh nghiệp là một khoản vay của doanh nghiệp. Người mua trái phiếu sẽ trở thành chủ nợ của doanh nghiệp. Doanh nghiệp sẽ trả nợ bằng cách mua lại trái phiếu doanh nghiệp do mình phát hành hoặc trả cả gốc và lãi khi hết kỳ hạn của trái phiếu.
Vụ việc của FLC và Tân Hoàng Minh như là một minh chứng cho "quả bom" trái phiếu doanh nghiệp trên thị trường.
Theo Luật sư Trương Anh Tú - Chủ tịch TAT Law Firm: sự “bùng nổ” của việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là trái phiếu do các doanh nghiệp bất động sản phát hành đang đặt ra một số vấn đề có thể tiềm ẩn rủi ro cho cả nhà đầu tư và bản thân các doanh nghiệp phát hành.
Thứ nhất, việc doanh nghiệp trả nợ gốc và lãi cho người đầu tư phụ thuộc vào tình hình hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Trong bối cảnh dịch Covid đã khiến hoạt động sản xuất, kinh doanh của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nặng nề, khó khăn chồng chất khiến cho doanh nghiệp đang có nguy cơ đứng trên bờ vực phá sản, giải thể. Vì vậy, nếu doanh nghiệp phát hành rơi vào tình cảnh mất khả năng trả nợ thì người đầu tư sẽ có thể mất trắng vốn.
Thứ hai, là rủi ro về thanh khoản do hiện tại thị trường mua đi bán lại trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam chưa phát triển, do dó khi muốn bán lại trái phiếu để thu hồi vốn, người đầu tư thường khó tìm được người mua.
Thứ ba, hiện nay, các doanh nghiệp đang tăng cường huy động vốn từ trái phiếu doanh nghiệp nên lãi suất trái phiếu bị đẩy lên rất cao, hay nhiều trái phiếu được phát hành bởi các công ty BĐS và không có tài sản bảo đảm.
Thứ tư, các nhà đầu tư cá nhân mua trái phiếu không biết là tiền huy động từ các đợt phát hành có được sử dụng đúng mục đích hay không và họ cũng có rất ít khả năng để phân tích các chỉ tiêu tài chính, qua đó nắm bắt được khả năng trả nợ của nhà phát hành. Chính vì thế rủi ro rất cao, đặc biệt là trái phiếu của các công ty BĐS.
Thứ năm, gần đây, không ít doanh nghiệp chưa niêm yết, doanh nghiệp có quy mô nhỏ và vừa, tình hình tài chính không quá tốt và nhất là không có xếp hạng tín nhiệm nhưng vẫn huy động vốn thành công đã khiến rủi ro của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang tăng lên.
Về mặt chính sách, theo Luật sư Trương Anh Tú, để kiểm soát nguy cơ trái phiếu doanh nghiệp kém chất lượng gây mất an toàn tài chính, Bộ tài chính đã siết chặt việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp, hoàn thiện quy định quản lý và giám sát thị trường.
Đối với các nhà đầu tư, theo ông Tú, trước khi quyết định mua trái phiếu của một doanh nghiệp cần phải tìm hiểu kỹ về uy tín của doanh nghiệp phát hành trái phiếu, đánh giá về năng lực tài chính, khả năng trả nợ của doanh nghiệp phát hành.
"Chỉ khi nắm rõ thông tin về trái phiếu, cân nhắc kỹ lưỡng các rủi ro có thể gặp phải, người dân hãy nên mua trái phiếu. Không nên mua trái phiếu chỉ vì lãi suất cao mà chưa tìm hiểu về uy tín, tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp" - ông Tú khuyến cáo.
Cre:TAT Law Firm