1. Lạm phát càng tăng mạnh, giảm phát đến càng nhanh - đặc biệt đúng trong đầu tư.
Đầu năm tôi có một ít tiền, do lo ngại lạm phát làm mất giá đồng tiền nên tôi đã vội vàng đi tìm kênh trú ẩn cho số tiền của mình. Bỏ qua bài học trong môn kinh tế hồi học đại học và các bài viết trên mạng mình có đọc về chu kỳ của nền kinh tế rằng - Lãi suất giảm thì rồi sẽ tăng, đặc biệt tăng mạnh lại sau khủng hoảng, tôi đã mang tiền đi đầu tư với một tính toán nông cạn. Đặc biệt là đầu tư vào bds là kênh không dễ thanh khoản khi cần.
2. Trong khủng hoảng tiền thường rẻ nhưng sẽ sớm chuyển sang đắt sau khủng hoảng.
Diễn biến kinh tế thường lặp lại giống với các sự kiện tương tự đã xảy ra trong quá khứ. Mỗi khi khủng hoảng xảy ra lãi suất tiền gửi thường thấp và các chính phủ thậm chí còn in thêm tiền đưa vào nền kinh tế giúp gia tăng sức mua của người dân nhằm kích thích nền kinh tế không bị trì trệ. Tuy nhiên sau khủng hoảng, sau khoảng thời gian tiền được bơm vào nền kinh tế, lạm phát sẽ gia tăng, đồng nghĩa với việc các chính phủ phải hút tiền về để kiềm chế lạm phát. Lúc này tiền trở nên đắt -> các món hàng đầu tư trở nên rẻ hơn.
3. Trong đầu tư, không tin ai ngoài mình.
Tất cả mọi nhận định hay lời khuyên của chuyên gia, thầy dạy, người đã thành công trong nghề ... chỉ là để tham khảo. Trong đầu tư tài chính không ai chắc 100% ngày mai sẽ là như thế nào, chưa kể nhận định hay lời khuyên nhận được có phải là thực lòng từ người đưa ra hay không, hay là họ đang tìm cách kiếm chác từ mình. Do đó, hãy trải nghiệm với tâm thế làm không công cùng với đào sâu học hỏi thật nhiều trước khi tham gia thị trường.
4. Khả năng của các chuyên gia, thầy giáo chưa chắc đã cao.
- Khả năng của các chuyên gia là đến đâu? Có thể họ thành công vì may mắn, hay mới chỉ là trong ngắn hạn. Đặc biệt, trong giai đoạn tăng của chu kỳ, hầu hết ai tham gia thị trường cũng thắng. Nhiều người mới thắng trong giai đoạn này mạnh dạn chạy thêm marketing để trở thành chuyên gia hoặc thầy dạy.
Chu kỳ tăng nên thị trường hấp dẫn rất mạnh người tham gia mới, những người này cần kiến thức nên đi tìm thầy dạy, nhu cầu cao nên rất dễ thành thầy. Năm 2022 nhiều thầy dạy đầu tư bds khuyên học viên mua thêm đất mặc dù ở giai đoạn đỉnh của chu kỳ, một số trong đó mới trải qua đầu tư từ đầu giai đoạn tăng là 2016 - 2019, một số có thâm niên hơn có thể vì động cơ bán đất hay khóa học của họ.
Một số ví dụ tôi chứng kiến:
+ Có thầy tự xưng là chuyên gia bds khuyên học viên vay NH để mua vào cuối 2022 - đủ đỉnh lại còn gồng lãi. Trò chết cứ chết - thầy tiếp tục chém gió.
+ Có thầy thì bảo "nhiều khi cứ có đạn là bắn, bắn không cần ngắm". Học viên bắn kiểu này thì đu hết đỉnh rồi.
+ Có thầy thì lập nhóm học viên đồng hành mua chung, thắng thì thầy lấy phần trăm, hòa hay thua thì thôi - khôn kiểu này ai chả khôn được. Các dự án mua chung năm 2022 của đội này chắc cũng đu đỉnh, tiền trò cứ nằm đó - thầy vẫn cứ chém gió.
+ Có thầy trước đó bán giúp FLC cho các học viên mua Condotel lấy hoa hồng - ai mua khi đó vỡ hết mặt rồi. Thầy chém gió tiếp.
+ Bán đất cho học viên, miễn hỏi vị trí cụ thể.
- Trong tài chính có rất nhiều bẫy, thậm chí rất tinh vi, và những chuyên gia hay thầy kia có thể cũng đang gài bẫy nhằm kiếm chác thứ gì đó như bán đất hoặc khóa học.
5. Không tôn sùng bất kỳ ai.
Ngưỡng mộ thôi là đủ, đừng tôn sùng ai cả. Trước mắt mình thấy họ hay, sau một thời gian có khi vỡ ra là họ rất xảo quyệt. Khi tôn sùng họ quá, lý trí dễ bị lu mờ để đi theo sự dẫn dắt chưa chắc đã đúng từ họ.
6. Đánh giá dài hạn.
Khi định hợp tác với ai, đừng nhìn những thứ của họ đang đập vào mắt mình. Hãy tìm hiểu con người họ trong quá trình nhiều năm trước. Những người phông bạt thường rất là bóng bẩy khi bạn gặp, nhưng trước đó có lẽ đã nhiều phốt.
7. Không nóng vội.
Thị trường thì nhiều bẫy, kiến thức và kinh nghiệm thì hạn hẹp. Chưa thấy người thành công dài hạn nào vỗ ngực là chưa có sẹo. Do vậy, người mới nên tham gia với số tiền nhỏ rồi từ từ tăng lên. Chí ít thì cũng không nên để chứng vào một giỏ - trong bds có thể mua chung để giảm số tiền đầu tư. Như vậy sẽ không mất hết nếu có gặp sai sót.
9. Thất bại là tiền đề của thành công - đừng thất bại lớn
Không ai thành công không có thất bại. Đừng chơi quả tất tay, quả nặng, hay thậm chí vay lãi. Chết một quả thế thôi thì đời dúi dụi.
Warren Buffett có nói "tôi không cố nhảy qua rào 7 foot, tôi tìm các rào cao 1 foot để bước qua".
Thị trường bds nhìn chung tăng dài từ 1993 đến nay, nhưng vẫn nhiều ông lớn chết hoặc điêu đứng, như FLC, NVL, ..., vì ham nhảy cao.
"Nghĩ lớn để thành công" nhưng người "Nghĩ lớn để vào tù" nhiều hơn. (miễn tranh luận)
10. Không thịt nào dễ ăn bằng thịt đồng loại.
Đội nhóm hay thân thiết chính là nơi dễ tin tưởng nhất. Do vậy những kẻ muốn kiếm chác từ người khác thường núp bóng những đội nhóm hoặc mời chào người thân quen. Trong các cộng đồng cũng vậy, đã có những cú lừa động trời trong cộng đồng học viên lớn của thầy dạy nổi tiếng.
Một số chiêu thức:
- Phông bạt bằng các đồ dùng sang chảnh như ô tô, hàng hiệu, du lịch, ăn chơi, ..., và liên tục post các hình ảnh này với các chiết lý cuộc sống lên FB, Zalo, Tiktok, ... để gây chú ý và hấp dẫn người khác.
- Chuyển tiền qua lại giữa các tài khoản như là có đặt cọc hoặc giao dịch thật nhằm kích thích mong muốn tham gia đội hoặc mua hàng của họ.
- Bán ngay cho người tham gia kèo bằng cách kênh giá mua đầu vào và các khoản chi phí. Việc này họ làm cũng không khó lắm khi cái mong muốn tham gia đội của con mồi đang cao.
- Bán hàng cho người khác vào chính đội nhóm của mình. Lợi ích là ăn hoa hồng, chênh giá, thậm chí họ không phải góp vốn vì phần nào bán được thì tính doanh số cho họ và phần còn lại thì trả lại cho chủ đất.
11.Đề phòng bọn phông bạt.
Các vụ vỡ nợ, bùng chạc, hay lừa đảo hầu hết chủ sự đều phông bạt rất mạnh trước và trong khoảng thời gian vay mượn. Nhà sang, xe chảnh, hàng hiệu, xa hoa, du lịch, ăn chơi, ..., và cả những tút chiết lý cuộc sống thường được xây dựng rất mạnh về hình ảnh cá nhân của các chủ sự cả trên diện mạo ngoài đời cũng như Fb, Zalo, Tiktok.
Người thành công thực sự và trưởng thành thường khiêm tốn. Những kẻ phông bạt thưởng rơi vào dạng "thùng rỗng kêu to" hoặc có âm mưu.
12. Miếng ngon thường nằm trong bẫy.
Thiên hạ không ai dại, cuộc đời khó có sung tự rụng vào mồm.
Càng ngon càng bở thì càng nhiều cạm bẫy. Bọn đặt bẫy trong đầu tư toàn dân có học, có địa vị, có tổ chức, có nói chung nhiều thứ, cái bẫy họ cài tinh vi và huyền ảo lắm.
13. Đơn chốt mà không phải chốt.
Dân tình quanh mình chốt đơn ầm ầm, cớ gì mình lại sợ. Không phải đâu, bọn nhao nhao chốt kia toàn chim mồi.
14. Ai vội cứ đi trước.
Trong mua hàng nói chung, người bán hàng thường dùng chiêu đưa ra giới hạn thời gian cho giảm giá hay giới hạn số lượng, đặc biệt bồi thêm chưởng tâm lý nâng cao hưng phấn để chốt đơn.
Cứ mua hàng bình thường chứ chưa nói đến mua đất, các bác vội thì nhường các bác, nhà cháu cần thời gian để cân nhắc kỹ.
16.Hỏi thông tin tư vấn nhiều nhất có thể.
Trong quá trình tìm hiểu thị trường, đặc biệt trước khi mua hàng, đừng ngại hỏi những người liên quan. Đừng tin vào một nguồn thông tin. Hãy tìm xem ai là người nắm thị trường nhiều hơn mình, kinh nghiệm hơn mình, và khách quan nữa mà hỏi han về thông tin thị trường và về thương vụ mình đang cân nhắc. (Redpr)
17. Còn tiền còn cơ hội.
Thương trường như chiến trường, một viên đạn cũng có thể cứu được mình. Đừng lãng phí bắn lung tung, hết đạn rồi con mồi sờ sờ trước mặt không có mà bắn mà có khi còn bị nó thịt.
Cơ hội luôn tồn tại không ở dạng này thì dạng khác. Nếu chịu học hỏi và cọ xát thì cơ hội sẽ từ từ hiện ra, lúc này chỉ lo không có đạn mà bắn thôi.
18.Nhìn lại lịch sử
Các chuyên gia đầu tư thành công trên thế giới đều công nhận tính chu kỳ của nền kinh tế cũng như diễn biến lặp lại tương tự với sự kiện đã xảy ra trong quá khứ.
Hãy nghiên cứu xem thời điểm hiện tại nằm ở vị trí nào trong chu kỳ kinh tế, hay sự kiện đang xảy ra giống với sự kiện nào đã xảy ra trước đó.
19.Chu kỳ kinh tế có lớn, có nhỏ.
Có câu nghe quen quen là "chu kỳ 10 năm 1 lần". Thực ra không hoàn toàn là như vậy.
Chu kỳ tăng, đỉnh, giảm, đáy là chắc chắn rồi, tuy nhiên mỗi thời kỳ của chu kỳ có thể dài hay ngắn hoặc thậm chí mở rộng hay thu hẹp tùy theo tình hình của nhiều khía cạnh trong cuộc sống tại thời điểm đó. Ví dụ nhiều chuyên gia nhận định rằng năm 2020 là bắt đầu giai đoạn giảm của chu kỳ vừa qua, tuy nhiên covid đã kéo chu kỳ tăng mở rộng thêm chút nữa.
Có chu kỳ xảy ra vài lần trong đời (chu kỳ ngắn), nhưng có những chu kỳ cả đời chưa bao giờ chứng kiến (chu kỳ dài). Theo Ray Dalio, những chu kỳ dài mà trong đó người Hà Lan lên thống trị thế giới, rồi đi xuống, rồi đến người Anh, rồi đến người Mỹ, ... kéo dài đến cả trăm năm.
20. Kiến thức giờ đã có đủ trên mạng
Ngày nay nhiều người thành công không biết làm gì cho đời có nghĩa đành phải lên mạng chia sẻ. Đặc biệt các thầy, các chuyên gia, các thành phần muốn kiếm chác bằng cách này hay cách khác, bắt buộc phải chứng tỏ kiến thức của mình để hấp dẫn người xem, đọc, ... bằng cách chia sẻ kiến thức hay miễn phí. Ngoài ra các group Fb cũng có thể cung cấp rất nhiều nội dung, hay chia sẻ quý báu từ thực tế.
Đủ kiên trì, hiếu học, bạn có thể thu nạp được đầy đủ các kiến thức cần có. Đặc biệt, bạn không bị lái như tham gia các khóa học tính phí.
Việc chính yếu là thực hành những kiến thức sẵn có đó.
21. Không có khả năng tự nghiên cứu, thắng chỉ là may mắn, may mắn chỉ có hạn.
Không tự tìm tòi, cọ xát để nâng cao khả năng, kỹ năng để có thể tự ra quyết định đúng đắn thì mọi thương vụ chỉ là liều mạng. Làm thế có thể thua, nếu thắng chỉ là may mắn hoặc đi theo. Không ai cõng ai mãi được, có theo thì cũng chỉ một vài quả, rồi miếng ngon họ phải ăn trước, miếng dở mới đến mình. Đời người may mắn cũng chỉ có giai đoạn - sông có khúc -, hết may là lại về với máng lợn.
22. Kiến thức mà không trải nghiệm có thể chỉ là Kiến Ngủ.
Kiến thức về kinh tế nhiều người đã học hỏi trên trường đại học, internet, sách, khóa học chuyên sâu, ... khá nhiều, nhưng vào thực chiến vẫn dính chưởng.
Chưa dính chưởng hoặc chưa có cái gương to lù lù trước mắt, kiến thức dễ là kiến ngủ trong đầu và dễ bị phớt lờ. Không vậy mà các chuyên gia đầu tư trên thế giới dù đã dành nhiều năm học đại học, cao học, ở các nước lớn như Mỹ vẫn có những quả thua. Dính chưởng/thua càng đau, cái kiến thức càng hằn sâu trong tâm trí.
23. Tâm lý 80% - 20% Kiến thức
Có vẻ nguyên lý 80 - 20 không loại trừ phạm trù tâm lý đầu tư. Kiến thức có đầy, tư duy không kém, trải nghiệm khá nhiều, nhưng ... THAM THÌ AI CHẢ THAM. Đã không tham thì chả ai đi đầu tư với kinh doanh làm gì.
Cần nhớ rất kỹ, trong đầu tư nói chung bán hàng nói riêng, tâm lý thường được sử dụng để gài bẫy.
Những bài học trên đây được đúc rút từ cả trải nghiệm thực tế cũng như qua kiến thức trên internet, sách cả tiếng Anh lẫn Việt. Đó là lý do mà vừa có vẻ thực tế vừa có vẻ lý thuyết.
Dù sao đi nữa, tất cả đều là những bài học mà tôi thấy tâm đắc cho đến thời điểm hiện tại.
AnhSon Do