Thời điểm ba tháng trước, anh Huy cho hay phải "giành giật" để có quyền chọn mua hai căn này. Dù giá cao hơn 15% các phân khu trước, anh nói chấp nhận vào tiền bởi đây là giỏ hàng cuối tại đại đô thị, "ôm vào là chắc thắng". Anh kỳ vọng đến cuối năm có thể chuyển nhượng với khoản chênh 200-300 triệu đồng một căn.
Rao bán hơn hai tháng chưa tìm được khách mua, mới đây anh lại được chủ đầu tư thông báo ký hợp đồng mua bán ngay đầu tháng 1 năm sau, sớm hơn hai tháng so với lịch ban đầu. "Hai tuần nữa, tôi phải nộp ngay khoản tiền đợt 1 hơn một tỷ đồng nếu chọn thanh toán tiêu chuẩn. Gửi thêm nhiều môi giới bán hộ song hai căn vẫn không có giao dịch, do quỹ hàng sang nhượng tại phân khu rất lớn, gồm cả những căn nhỏ hơn", anh nói.
Chị Thuý Anh, một nhà đầu tư ngụ tại quận Hai Bà Trưng, cho biết đang chật vật rao bán căn hộ 83 m2 tại dự án hơn 2.000 căn trong khu đô thị phía Đông. Căn này có giá chủ đầu tư khoảng 6,4 tỷ đồng (77 triệu đồng một m2), chưa gồm VAT và phí bảo trì.
Trước đó hơn một tháng, chị cho biết phải "tranh nhau" mới lấy được quyền mua căn hộ ở tầng đẹp. Ngoài khoản ký quỹ 200 triệu đồng, chị này còn phải chi thêm 200 triệu cho đại lý và môi giới vì lấy được "căn hoa hậu".
Hiện chị chấp nhận bán bằng giá hợp đồng, lỗ khoản 200 triệu chênh cho đại lý nhưng vẫn chưa tìm được khách mua.
Đây chỉ là hai trong số nhiều trường hợp nhà đầu tư "lướt sóng" đang tìm cách cắt lỗ để thoát hàng. Bởi ngoài việc không muốn "lướt sóng thành cư dân", cuối năm cũ - đầu năm mới là thời điểm nhiều sàn giao dịch chịu áp lực chốt doanh số nên quỹ căn được ôm trước đó tung ra nhiều, buộc các nhà đầu tư nhỏ lẻ cũng tìm cách thoát hàng. Theo chuyên gia, nhiều đại lý "xả hàng" dẫn đến khoản chênh giảm mạnh 70-80%, thậm chí ngang với giá hợp đồng mua bán.
Cre: VnExpress