Tại Việt Nam, thị trường chứng khoán trải qua đợt "khủng hoảng" sau vụ bê bối của Tân Hoàng Minh, FLC khiến nhiều lãnh đạo doanh nghiệp, quan chức dính lao lý.
Thị trường bất động sản trong nửa đầu năm 2022 cũng diễn biến khác nhau trên toàn quốc. Tại các thành phố lớn, điệp khúc nguồn cung nhỏ giọt và giá bán tăng vọt tiếp tục dẫn dắt thị trường. Trong khi đó, thông tin về các dự án hạ tầng giao thông như cao tốc, sân bay, siêu đô thị được đề xuất đầu tư đã khiến cơn "sốt đất " diễn ra ở nhiều địa phương như Bình Phước, Đắk Nông, Quảng Trị, Đắk Lắk, Cam Lâm…
Việc ngân hàng bắt đầu siết van tín dụng và ngành thuế ban hành các văn bản tăng cường giám sát chống thất thu thuế chuyển nhượng bất động sản cũng tác động lớn đến thị trường.
Đối với Doanh Nghiệp BĐS
- Tín dụng BĐS là một trong những lĩnh vực Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa rủi ro. Bộ Tài chính, NHNN cũng lên tiếng về việc sẽ kiểm soát chặt dòng vốn chảy vào lĩnh vực BĐS, bao gồm cả kênh tín dụng ngân hàng và phát hành trái phiếu.Nhà nước rà soát lại việc phát hành trái phiếu của doanh nghiệp bất động sản cũng sẽ tác động đến thị trường này. Đặc biệt là việc tiếp cận nguồn vốn của các doanh nghiệp bất động sản.Năm 2022, giá trị trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn của các doanh nghiệp có quy mô 230.000 tỷ đồng, trong đó đáo hạn tập trung ở nhóm bất động sản đạt 98.000 tỷ đồng, các ngân hàng đạt 70.000 tỷ đồng, còn lại ở nhóm ngành sản xuất…
- Mặt khác, những nút thắt pháp lý, cấp phép dự án mới chưa được tháo gỡ, kéo dài thời gian triển khai dự án, làm tăng chi phí hồ sơ thủ tục, tăng chi phí để phát triển dự án.
- Giá bán thị trường sơ cấp rất cao, nhưng thanh khoản ở thị trường thứ cấp lại chậm lại bởi các nhóm khách hàng mua để đầu tư luôn kỳ vọng biên độ lợi nhuận cao hơn các thời điểm trước. Do đó, sau khi đã giữ bất động sản trong bối cảnh nguồn cung hạn chế, việc đẩy giá thứ cấp trong thời gian tới là có nhưng tính thanh khoản lại rất thấp. Và đây cũng là điểm nghịch lý của thị trường lúc này.
Đối với Khách Hàng
- TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia kinh tế, phân tích quy luật của giá cả là nhiều người đổ vào đầu tư ngành đó thì giá tăng. Tuy nhiên, theo quy luật cung cầu khi cung tăng cao nhưng cầu không có thì buộc giá hàng hóa giảm giá. Thị trường hiện tại đã đẩy cung ảo tăng lên nhiều lần so với nhu cầu thực sự của người đang mua BĐS.
- Những người mua để đầu tư, lướt sóng, đầu cơ đang quá nhiều, đẩy giá nhà lên cao khiến người mua để ở không theo kịp. Khi BĐS tăng giá liên tục trong nhiều năm, tại hầu hết phân khúc thì người mua chủ yếu để chờ tăng giá chứ không dựa trên hiệu quả khai thác từ cho thuê, kinh doanh, sản xuất…
- Lạm phát tăng cao, thu nhập của người mua ở không đổi sẽ làm giảm ngân sách giải ngân đầu tư hoặc mua ở trong giai đoạn sắp tới. Cùng với lãi suất tăng và siết dòng tiền cho vay BĐS ảnh hưởng tâm lý giải ngân của NĐT.
Lời khuyên từ chuyên gia
- Theo đánh giá của chuyên gia BĐS Trần Khánh Quang, trong quý III-2022, dự báo thị trường sẽ bình lặng, giá không tăng, giao dịch chậm lại. Nếu chủ đầu tư tái cơ cấu sản phẩm lại tốt, đáp ứng nhu cầu thị trường thì giao dịch quý III sẽ ổn định hơn.“Tuy nhiên, các chủ đầu tư vẫn loay hoay với những dự án hiện hữu. Nếu tiếp tục với những BĐS xa và sang thì thị trường sẽ diễn biến không tốt trong nửa cuối năm 2022” - ông Quang dự báo.
- Trong sáu tháng cuối năm, phân khúc BĐS vẫn “dễ thở” theo ông Quang nhận định là căn hộ đã bàn giao, có sổ. Phân khúc này vẫn giao dịch tốt và sẽ có giá hấp dẫn hơn các căn hộ sơ cấp (mua từ chủ đầu tư).
- Thứ hai, những sản phẩm nhà phố trong trung tâm ở những TP lớn vẫn hấp dẫn. Thứ ba, đất nền của các tỉnh, thành gần TP.HCM có mức giá hợp lý sẽ vẫn có thanh khoản tốt hơn.
- Còn theo dự báo của chuyên gia kinh tế Đinh Thế Hiển, nửa cuối năm nay giá căn hộ chuẩn ở TP.HCM sẽ dao động nhẹ.“Còn tất cả phân khúc khác như đất nền, nhà phố… đã đẩy giá tăng quá ảo sẽ mất thanh khoản thời gian dài nếu tiếp tục neo giá bán cao như hiện nay. Việc giá BĐS có thể được nhà đầu tư bán giảm 20%-30% so với thị trường là hoàn toàn có thể xảy ra” - ông Hiển thông tin.
- Báo cáo mới đây của Savills Việt Nam cho biết, trong 6 tháng cuối năm, những tác động của COVID-19 vẫn sẽ ảnh hưởng tới thị trường BĐS, dẫn đến sự phát triển không đồng đều giữa các địa phương, các phân khúc BĐS và dự án.
- Trong đó, BĐS công nghiệp sẽ giữ vị thế một trong những phân khúc có triển vọng phát triển tốt nhất. Đà tăng trưởng của địa ốc công nghiệp vẫn hưởng lợi từ các thương vụ mua bán và sáp nhập. Bên cạnh đó, thị trường được kỳ vọng tiếp tục đón nhiều nhu cầu mới, đặc biệt tại các khu vực kinh tế triển vọng.
- Với BĐS nhà ở, nhiều đơn vị nghiên cứu thị trường có đánh giá lạc quan hơn, song cũng cho thấy những mảnh ghép trái chiều giữa các loại hình sản phẩm. Trong đó, Savills cho rằng, tâm điểm trong nửa cuối năm sẽ là BĐS hàng hiệu, đặc biệt khi Việt Nam thuộc nhóm các thị trường tăng trưởng tốt trên thế giới ở dòng này. Dự kiến, thị trường Hà Nội và TPHCM sẽ còn đón thêm các dự án này.
- Riêng phân khúc BĐS nghỉ dưỡng, về mặt thanh khoản, các đơn vị nghiên cứu chưa đưa ra những nhận định xán lạn hơn, song cũng chỉ ra những bước đi chắc chắn hơn trong thời gian tới. Savills Việt Nam cho rằng, thị trường sẽ ghi nhận những tín hiệu khả quan nhất định trong nửa cuối năm nay khi các chủ đầu tư đã lựa chọn cẩn thận hơn các nhà điều hành uy tín cho các dự án nghỉ dưỡng cao cấp hơn là chỉ đầu cơ cho các dự án căn hộ khách sạn (condotel) như giai đoạn trước. Dữ liệu của Batdongsan.com.vn cũng ghi nhận điểm sáng đến từ phân khúc đất nhà vườn, trang trại, nghỉ dưỡng ven đô, xuất phát từ làn sóng "bỏ phố về quê" khi dịch bệnh xuất hiện.
Nguồn: Đình Nguyễn