Bà N.K.D (35 tuổi; ở TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) cho biết thời gian qua, bà cũng như những người mua căn hộ tại dự án Roxana Plaza (TP Thuận An, tỉnh Bình Dương; Công ty Tường Phong là chủ đầu tư) đang rất hoang mang và đã gửi đơn cầu cứu khắp nơi vì những bất cập tại dự án này.
Thất hứa, mập mờ
Bà D. kể bà biết đến dự án trên thông qua sự kiện giới thiệu do Công ty CP Naviland tổ chức. Ngày mở bán, bà đã đến đặt cọc 30 triệu đồng để mua căn hộ 2 phòng ngủ trị giá hơn 1 tỉ đồng. "Thời điểm này có cả bên ngân hàng dự và họ bảo đảm cho khách hàng được vay vốn. Chính điều này đã khiến tôi an tâm đặt cọc vì tôi không đủ tiền để trả một lần. Tuy nhiên, sau khi trả tiền mặt lên đến gần 450 triệu đồng, tôi đến ngân hàng nhờ hỗ trợ vay thì mới biết dự án chưa hoàn thành thủ tục pháp lý nên ngân hàng không cho vay. Lúc này, ngân hàng chỉ nói hồ sơ của tôi đủ điều kiện vay nhưng khi nào phía công ty (chủ đầu tư) hoàn tất thủ tục thì mới giải ngân được" - bà D. nói.
Chính vì không thể hoàn thành thủ tục pháp lý nên dự án Roxana Plaza liên tục thất hứa với khách hàng. Theo tiến độ, cuối năm 2020 sẽ bàn giao căn hộ, tuy nhiên sau đó chủ đầu tư nêu lý do trễ hẹn là do dịch COVID-19, lúc này khách hàng cũng thông cảm, đến giữa năm 2021, tiếp tục đợt dịch COVID-19, khách hàng lại tiếp tục thông cảm vì lý do khách quan. "Tuy nhiên, sau dịch công ty vẫn dời thời hạn bàn giao với lý do "mâu thuẫn nội bộ" đã khiến khách hàng bức xúc. Sau cầu cứu của chúng tôi, nhiều lần chính quyền địa phương, cơ quan chức năng đã làm việc với chủ đầu tư nhưng đến nay mọi thứ vẫn giậm chân tại chỗ. Nhiều người mua nhà cũng điêu đứng theo" - bà D. nói.
Ở Đồng Nai, phản ánh tới Báo Người Lao Động, bà Hoàng Thị Thu Hà (ngụ TP HCM) cùng nhiều khách hàng khác mua đất tại dự án Gem Sky World (hơn 92 ha tại xã Long Đức, huyện Long Thành) cho biết mặc dù đã đóng 95% số tiền mua lô đất 100 m2 giá hơn 2 tỉ đồng nhưng chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Kinh doanh bất động sản Hà An và đơn vị phân phối là Công ty CP Dịch vụ Bất động sản Đất Xanh mập mờ, thiếu minh bạch trong giao dịch.
Bà Hà cho hay bà chỉ là một trong hàng trăm khách hàng đã xuống tiền mua dự án trên nhưng nhận đủ trái đắng. Theo bà Hà, tất cả giấy tờ được ký giữa khách hàng và Công ty Đất Xanh đều không phải là hợp đồng, mà chỉ là "thỏa thuận" kể cả khi đóng đến 95% giá trị sản phẩm.
Các thỏa thuận này đều không ghi rõ thời hạn ngày ký hợp đồng chuyển nhượng và bàn giao hợp đồng chuyển nhượng, không có cam kết về tiến độ xây dựng, tiến độ bàn giao hợp đồng chuyển nhượng hay giấy chủ quyền. "Ban đầu, chúng tôi rất tin tưởng vì dự án này được Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) bảo lãnh kèm theo nhiều chính sách như hỗ trợ khách hàng lãi suất 12 tháng, cho vay 70% trong vòng 25 năm. Tuy nhiên, sau khi đặt cọc, chuyển tiền và ngân hàng đã giải ngân 70% vào tài khoản Công ty Đất Xanh (tổng 95% - PV) thì mọi việc mới vỡ lẽ khi Công ty Đất Xanh không thể cung cấp hợp đồng chuyển nhượng" - bà Hà chua chát nói.
Nợ nần và bế tắc
Theo bà Hà, từ việc trên, VPBank yêu cầu khách hàng phải tất toán ngay khoản vay hàng tỉ đồng. Điều này đồng nghĩa từ việc được vay 25 năm thì giờ chỉ được vay hơn 1 năm. "Trong vòng 12 tháng để tất toán 70% khoản vay giá trị thửa đất, chúng tôi không đủ khả năng. Đúng ra, nghĩa vụ tất toán là của Công ty Đất Xanh vì họ đã không thực hiện đúng cam kết trong thỏa thuận, dự án chưa đủ điều kiện để chuyển nhượng là lỗi của họ" - bà Hà nói.
Sau nửa năm không tất toán được khoản nợ và mảnh đất mua vẫn nằm trên giấy, bà Hà cùng nhiều người đã bị ngân hàng chuyển sang thành nợ xấu, bị báo động "đỏ" không thể làm hồ sơ vay gói mới ở bất kỳ ngân hàng hay tổ chức tài chính nào khác. "Quả thật chúng tôi đã rơi vào bế tắc. Giờ chỉ mong các cơ quan chức năng vào cuộc làm rõ trách nhiệm của các bên liên quan" - bà Hà bày tỏ mong muốn.
Tương tự, ông Vũ Minh Cảnh (ngụ TP Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) kể ông mua 1 lô đất 120 m2 giá khoảng 2,5 tỉ đồng và 1 lô đất 142 m2 giá khoảng 1,7 tỉ đồng tại dự án Gem Sky World. "Khi tôi đã thanh toán 95% giá trị 2 lô đất (25% cá nhân, còn 70% được ngân hàng cho vay) thì lại không thể ngờ rằng dù dự án đã có bảo lãnh của ngân hàng nhưng lại bất đắc dĩ trở thành "con nợ khó đòi" và bị ghi nhận nợ xấu trên hệ thống, liên tục nhận các cuộc điện thoại lạ tự xưng là nhân viên ngân hàng đòi tất toán nợ ở dự án Gem Sky World, dù việc tất toán lẽ ra phải từ phía chủ đầu tư" - ông Cảnh than vãn.
Theo ông Cảnh, ông và hàng trăm khách hàng thực tế đã bị dụ dỗ tham gia vào một ma trận các giấy tờ, giao dịch mập mờ để che đậy bản chất thật là huy động vốn, kinh doanh bất động sản chưa đủ điều kiện và chiếm đoạt số tiền đó sử dụng vào việc khác. "Tôi đề nghị sớm đưa vụ việc này ra ánh sáng để trả lại quyền lợi cho hàng trăm khách hàng chúng tôi" - ông Cảnh kiến nghị.
Trong khi đó, ở dự án Roxana Plaza, đa phần những người mua căn hộ đều là những gia đình trẻ, đang thuê nhà hoặc ở trọ, tiền họ bỏ ra mua là mồ hôi, nước mắt qua nhiều năm chắt chiu, dành dụm, thậm chí phải vay mượn gia đình, bạn bè để mong hiện thực hóa giấc mơ an cư lạc nghiệp. Việc chủ đầu tư ngừng thi công vô thời hạn khiến cuộc sống của nhiều người đảo lộn, lâm vào cảnh nợ nần, bế tắc.
Đâu là lối ra?
Dự án Roxana Plaza liên tục bị khách hàng khiếu kiện đã ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, nên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh đã ký kết luận thanh tra đối với dự án này. Kết luận sau đó cho thấy Công ty Naviland đã "bán chui" 1.082 căn hộ tại dự án chung cư Roxana Plaza.
Với vi phạm trên, ngày 4-11-2021, UBND tỉnh ban hành quyết định xử phạt hành chính số tiền 275 triệu đồng và đình chỉ hoạt động kinh doanh bất động sản đối với Công ty Naviland thời hạn 12 tháng. Tương tự, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 3502 về xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty Tường Phong về hành vi vi phạm triển khai xây dựng dự án kinh doanh bất động sản, dự án đầu tư xây dựng nhà ở chậm tiến độ với mức phạt 275 triệu đồng. Đến nay, Công ty Tường Phong đã nộp số tiền trên, riêng Công ty Naviland vẫn chưa đóng phạt.
Trước thực tế này, UBND tỉnh yêu cầu Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp với ngành chức năng rà soát, xem xét có văn bản thông báo đủ điều kiện huy động vốn để bán nhà ở hình thành trong tương lai theo quy định cho nhà đầu tư. Theo dõi, đôn đốc Công ty Naviland nộp phạt. Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng và các cơ quan, đơn vị có liên quan theo dõi, đôn đốc tiến độ thực hiện dự án theo chủ trương đầu tư đã được phê duyệt. Trường hợp nhà đầu tư gia hạn chủ trương đầu tư, trước tiên cần phải làm rõ trách nhiệm ngưng thực hiện dự án của nhà đầu tư dẫn đến dự án chậm tiến độ, sau đó xem xét, quyết định cho gia hạn theo quy định của pháp luật.
Trước những bức xúc của khách hàng mua đất ở dự án Gem Sky World, ông Trần Thế Vinh, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đồng Nai, cho hay đã yêu cầu tổng giám đốc Công ty Hà An chủ trì, phối hợp với Công ty Đất Xanh và ngân hàng tổ chức đối thoại trực tiếp và xử lý dứt điểm các bức xúc, yêu cầu chính đáng của người dân.
Là chủ đầu tư dự án, phía Công ty Hà An hứa với khách hàng sẽ hoàn chỉnh hồ sơ pháp lý và thực hiện đầu tư xong các công trình hạ tầng xã hội như: trường mầm non, trạm y tế và trung tâm thương mại trong quý II/2024. "Sau khi hoàn thành việc xây dựng các công trình hạ tầng xã hội còn lại nêu trên, trong vòng 60 ngày, công ty sẽ hoàn thành việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho khách hàng" - thông báo của Công ty Hà An tới khách hàng dự án Gem Sky World.
Làm theo quy định
Về vấn đề xóa lịch sử nợ xấu cho khách hàng, đại diện VPBank cho rằng ngân hàng phải làm theo quy định của Ngân hàng Nhà nước. "Chúng tôi sẽ hỗ trợ việc xóa lịch sử nợ xấu một cách nhanh nhất khi đủ điều kiện" - đại diện VPBank.
Về việc khách hàng bị gọi đòi nợ, theo đại diện VPBank, phía ngân hàng sẽ thực hiện theo quy trình xử lý nợ, sẽ làm việc nội bộ và báo cáo cấp thẩm quyền về việc hạn chế gọi điện thoại.
Theo Người lao động