Qua thời người bán trà đá cũng làm môi giới bất động sản
Thời gian qua, những cơn "sốt đất" khiến nghề môi giới bất động sản, đặc biệt ở phân khúc đất nền trở nên hấp dẫn. Nhiều người làm nghề văn phòng, bác sĩ, luật sư hay thậm chí người bán trà đá cũng tay ngang làm "cò" đất.
Tuy nhiên gần đây, với sự ảm đạm của thị trường bất động sản, môi giới nói chung và cò đất nói riêng, đang rơi vào thế khó và buộc họ phải tìm cách xoay chuyển để tồn tại. Những khó khăn trên thị trường bất động sản thể hiện rõ trên kết quả kinh doanh khi nhiều doanh nghiệp hoạt động môi giới trong ngành này đều báo lỗ trong quý I/2023, ghi nhận giai đoạn kém nhất kể từ 2017 cho tới nay.
Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam cho biết, trong quý I/2023, có thêm khoảng 50% sàn giao dịch phải đóng cửa hoặc tạm dừng hoạt động với hàng nghìn lao động phải mất việc.
Ước tính số môi giới đang hoạt động chỉ còn khoảng 30% - 40% so với giai đoạn đầu năm 2022. Đây là giai đoạn thách thức đối với những đơn vị môi giới không đủ năng lực cạnh tranh để tồn tại nhưng cũng là cơ hội để các đơn vị chuyên nghiệp vượt lên và phát triển bền vững hơn.
Làn sóng môi giới bất động sản nghỉ việc bắt đầu từ những tháng trước Tết 2023. Nhiều sàn giao dịch cho 50% môi giới nghỉ việc không lương.
Sang đến năm 2023, tình hình môi giới bất động sản cũng không khả quan hơn khi số lượng môi giới tự bỏ nghề gia tăng. Một số môi giới bám trụ lại với nghề cũng không được thanh toán lương, hoa hồng đầy đủ, đúng hạn khiến cuộc sống bị đảo lộn.
Làm việc tại một công ty môi giới bất động sản tại Hà Nội, anh Nguyễn Mạnh Dũng (quê Phú Thọ) cho biết, thời điểm dịch COVID-19 diễn ra, trong khi nhiều ngành, nghề gặp khó khăn thì thu nhập nghề môi giới mang lại rất cao.
"Bạn bè tôi thất nghiệp cũng chuyển sang làm môi giới. Thời điểm đó lượng khách lớn nên không yêu cầu quá nhiều kinh nghiệm những người tay ngang vẫn bán được hàng và có thu nhập.
Tuy nhiên thời gian gần đây, thu nhập rất bấp bênh. Rất khó khăn để chốt được hàng, khi khách chốt hàng thành công, công ty cũng không thanh toán hoa hồng. Đa số bạn bè tay ngang làm môi giới của tôi đã nghỉ, tìm việc khác" - anh Dũng nói.
Cần giải quyết vấn đề gốc rồi đến điều kiện hành nghề
Trao đổi với PV Lao Động, ông Nguyễn Anh Quê - CEO G6 Group cho rằng, chỉ thời điểm thị trường sốt thì mới có môi giới tay ngang như bà bán trà đá, ông xe ôm, kĩ sư… Họ vừa làm nhà đầu tư, vừa làm môi giới.
Theo ông Quê, thị trường bất động sản có nhiều chủ thể tham gia, trong đó có Nhà nước, doanh nghiệp bất động sản, người mua, người bán, môi giới. Một thành phần trong tổng số rất khó làm cho thị trường bất động sản xấu đi mà do thể chế, cơ chế tạo ra thị trường tự đẩy nhau vào khó khăn.
"Như thời điểm bất động sản xuất hiện "sốt đất" là do có chính sách tiền rẻ, đẩy mạnh về mặt hạ tầng, thay đổi về mặt quy hoạch. Từ những căn cứ ấy, các nhà đầu tư lao vào mua, xuất hiện môi giới tay ngang. Tôi không ủng hộ việc nói "cò đất" làm loạn thị trường vì bản chất họ chỉ là một thành phần yếu nhất trong các chủ thể thì không thể thay đổi được thị trường mà do công tác thể chế, quy hoạch, công tác quản lí không tốt.
Thực ra cần làm chặt từ tính pháp lí của dự án, tức là dự án đủ điều kiện mở bán chưa? Cần phải có sự giám sát của cơ quan truyền thông, cơ quan thanh tra, kiểm tra, cơ quan kiểm toán, cơ quan thuế, các phòng, ban ở cấp quận, cấp phường, xã… Từ đó mới giải quyết được vấn đề gốc rồi đến điều kiện hành nghề sàn bất động sản, môi giới. Nếu chỉ giải quyết vấn đề môi giới thì không có tác dụng vì môi giới thực hiện theo chỉ đạo của sàn, sàn bán dự án theo pháp lí của chủ đầu tư, chủ đầu tư đôi khi bán sớm, bán khi chưa đủ điều kiện" - ông Quê cho hay.
Trong khi đó ông Nguyễn Thế Điệp - Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội - cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, môi giới bất động sản nên có chứng chỉ là cần thiết: "Nếu môi giới không có chuyên môn sẽ dẫn đến tình trạng tư vấn không đúng về thị trường, hoặc chưa đủ pháp lí. Đồng thời, hiện nay, nhà đầu tư cũng đã có hiểu biết nhất định. Môi giới bất động sản cần có chứng chỉ để nâng cao chất lượng ngành nghề bất động sản.
Để triệt tiêu “cò mồi” cần rất nhiều yếu tố. Cơ chế chính sách cần có những tiêu chí bắt buộc để làm môi giới. Môi giới cần qua đào tạo, có chứng chỉ và am hiểu kiến thức về thị trường, pháp lí, phong thuỷ… để tồn tại bền vững trên thị trường bất động sản. Nếu không có kiến thức thì tự nhiên sẽ bị đào thải" - ông Điệp nói.
Lao Động