Ở một góc nào đó của thị trường, có những người âm thầm sở hữu hàng trăm cuốn sổ đỏ. Mỗi lần thị trường điều chỉnh, họ lại đi mua thêm. Không rao bán, không cần khai thác, không lo thanh khoản. Đối với họ, đất không chỉ là tài sản – mà là thứ mang lại cảm giác kiểm soát, sự an tâm, và cả… niềm vui sở hữu.
Tâm lý thích tích trữ đất đang dần trở thành một “trạng thái tâm lý xã hội” ở một nhóm người có tiền. Mua không hẳn vì nhu cầu, mà vì “đã quen tay”, vì thấy để tiền trong ngân hàng không an toàn, vì sợ lạm phát, vì đã từng lãi lớn từ những thương vụ trước. Cảm giác sở hữu đất dần chuyển thành thói quen – giống như người sưu tầm tem, tranh, hay đồ cổ – chỉ khác là đất mang lại cảm giác quyền lực và giàu có rõ ràng hơn nhiều.
Nhưng chính tâm lý này cũng là nguyên nhân khiến rất nhiều tài sản rơi vào tình trạng bỏ hoang. Biệt thự không người ở, nhà phố đóng cửa cả năm, lô đất nằm im không khai thác. Trong khi đó, một bộ phận người trẻ, người lao động vẫn phải đi thuê nhà, chật vật với giấc mơ an cư – nhìn giá đất tăng từng năm mà không tài nào đuổi kịp.
Càng tiếp xúc sâu vào bất động sản, càng thấy rõ điều này: đất không còn đơn thuần là phương tiện sinh sống, mà trở thành biểu tượng của vị thế. Và khi con người xem nó như một “kho báu” tích trữ, họ sẽ không muốn chia sẻ, không muốn bán ra, thậm chí... không cần dùng đến.
Tâm lý này không hẳn vì đầu tư sinh lời nữa. Đôi khi, nó đến từ:
- Sự “nghiện” cảm giác sở hữu – như thấy sổ đỏ là thấy vui.
- Thói quen từ quá khứ: “Hồi 2016 tôi mua 3 nền đất, 2 năm sau lãi gấp 3. Giờ rảnh tay là tôi lại đi xem đất – thành phản xạ rồi.”
- Niềm tin rằng đất là “kênh trú ẩn an toàn cuối cùng” giữa lúc ngân hàng rủi ro, vàng thất thường, chứng khoán thì… chóng mặt.
Không cần bán, không cần xây – chỉ cần để đó!
Trong quá trình phát triển đô thị, hàng loạt biệt thự triệu đô bỏ hoang, nhà phố không người ở, lô đất “đắp chiếu” cả chục năm không còn là chuyện lạ.
Báo cáo của Bộ Xây dựng năm 2024 cho thấy:
- Tỷ lệ nhà biệt thự, nhà liền kề không có người sử dụng tại các khu đô thị mới ở Hà Nội lên đến 20–25%.
- Nhiều khu vực vùng ven như Nhơn Trạch (Đồng Nai), Hòa Lạc (Hà Nội), Lộc An (Bà Rịa)… có hàng nghìn lô đất để trống từ 5–10 năm, chưa có dấu hiệu khai thác.
Trong khi đó, theo khảo sát của Savills:
- 65% người trẻ tại TP.HCM và Hà Nội vẫn đang phải thuê nhà,
- Và trung bình mất 15–20 năm tiết kiệm nếu muốn mua được một căn hộ tầm trung.
Một bên là đất nằm im, một bên là người cần chỗ ở – nghịch lý dường như ngày càng sâu sắc.
Càng đi sâu vào thị trường, càng thấy rõ một điều: đất không còn là nơi để ở, mà là thứ để “giữ vị thế”. Người càng giàu thì càng muốn phân tán rủi ro, và đất là thứ dễ giữ nhất, khó mất nhất. Người có tài sản lớn, thường muốn tránh “lộ” dòng tiền, mua nhà đất là một cách “giữ tiền trong im lặng”. Nhiều đại gia còn để lại tài sản dưới dạng đất đai cho con cháu, vừa để bảo toàn, vừa thể hiện thế lực ngầm: “nhà đó có đất khắp nơi!”
Ở một góc nhìn khác, bất động sản đã trở thành biểu tượng văn hóa của người thành đạt, sở hữu nhà đất là biểu hiện của việc “làm ăn giỏi, biết nhìn xa”.
Nhưng… thị trường có phát triển bền vững khi đất cứ nằm yên? thị trường bất động sản có thực sự phát triển, khi tài sản không luân chuyển, không phục vụ nhu cầu sử dụng thật sự?
Nếu chỉ một nhóm người sở hữu quá nhiều đất, họ có thể khiến giá đất bị neo cao, làm mất cơ hội sở hữu nhà của người trẻ. Khi đất chỉ để “giữ” mà không để “dùng”, thị trường sẽ mất đi tính thanh khoản, thiếu động lực phát triển bền vững.
Trong dài hạn, nó có thể gây méo mó trong việc quy hoạch hạ tầng – xã hội: nhà ở không đủ, nhưng đất lại dư thừa.
Giải pháp nào? Có nên đánh thuế vào đất bỏ hoang?
Ở nhiều nước, thuế tài sản và thuế đất để không được áp dụng nhằm khuyến khích sử dụng hiệu quả. Ví dụ:
- Singapore đánh thuế cao vào tài sản không có người ở hoặc không khai thác sau thời gian quy định.
- Úc và Canada có chính sách đánh thuế lũy tiến theo số lượng bất động sản sở hữu.
Việt Nam hiện đang cân nhắc đánh thuế tài sản, nhưng còn vướng do hệ thống dữ liệu và quy định pháp lý chưa đủ đồng bộ.
Mỗi người có quyền giữ tài sản theo cách mình muốn. Nhưng khi quá nhiều nhà đất nằm im, còn người thật lại không có chỗ ở, đó không còn là chuyện riêng của nhà đầu tư nữa, mà là bài toán lớn của cả nền kinh tế.
Bất động sản có thể là đam mê. Nhưng đừng để “niềm vui sở hữu” của một nhóm, trở thành “nỗi buồn an cư” của số đông.