Đọc thông tin trong thống kê mà choáng (xem ảnh), nay đi giữa những rừng chung cư ở Văn Giang tác giả bổ sung vài ý làm sống động thêm bức tranh đã vẽ 3,5 năm trước.
Đô thị hóa (ĐTH) đất đai >< ĐTH dân cư.
Hưng Yên là tỉnh có tốc độ ĐTH thuộc nhóm cao của cả nước. Trong 5 năm 2016-2020, tỷ lệ ĐTH của Hưng Yên là 3,57%/năm; đến năm 2022 đạt tỷ lệ 42,5%; dự kiến đến hết năm 2023 đạt tỷ lệ 45% với 23 đô thị trên toàn tỉnh (Cổng TTĐT Bộ Xây dựng, ngày 31/7/2023). Ấy nhưng, tốc độ ĐTH dân cư của Hưng Yên còn rất khiêm tốn, cụ thể: tính tới 2021 tổng dân số thành thị của Hưng Yên là 213.600 người chiếm 16,63%, dân số nông thôn là 1.071.000 người chiếm 83,37% (Hưng Yên-Vikipedia). Nhìn vào con số gần 17% dân số đô thị chiếm 42% diện tích đủ hiểu tại sao nhiều đô thị vắng vẻ và 83% dân số nông thôn có nghĩa là Hưng Yên vẫn là một tỉnh “thuần nông” dù có nhiều đô thị, có lắm nhà cao tầng.
Tốc độ tăng nhà ở >< tốc độ tăng dân số.
Báo cáo của Savills, cho biết tới năm 2025 sẽ có khoảng 108.000 sản phẩm nhà ở dự kiến gia nhập thị trường Hưng Yên (Tạp chí Công thương 19/4/2024). Nếu tính trung bình 2,5 người/đơn vị nhà ở thì dân số đô thị Hưng Yên cần tăng thêm 270.000 người (cao hơn số dân thành thị hiện tại - 213.600 người) mới lấp đầy nguồn cung nhà ở mới.
Trong 10 năm (2009-2019) dân số của Hưng Yên tăng thêm 124.828 người, tỷ lệ tăng dân số quân bình là 1,06%/năm thấp hơn tỷ lệ của cả nước là 1,56%. Đời sống càng cao chị em càng lười đẻ- đó là quy luật ! Vậy nên 10 năm nữa, cả tỉnh chắc cũng chỉ tăng thêm khoảng 150.000 dân trong khi đó tới năm 2025 đã cần tới 270.000 người để lấp đầy các đô thị - nếu không muốn bỏ hoang chúng.
Vậy trăm sự nhờ vào tăng dân số cơ học (người nơi khác chuyển đến). Bình Dương và Bắc Ninh là 2 tỉnh điển hình về sức hút dòng di cư từ nơi khác đến nhờ sự phát triển mạnh mẽ công nghiệp những khu và cụm khu công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài, tạo nhiều công ăn việc làm. Tỷ suất di cư thuần (nhập cư-xuất cư) của Bình Dương là 200,4%, của Bắc Ninh là 85,3% trong khi con số này của Hưng Yên quân bình 5 năm (2018-2022) chỉ đạt 1,46%.
Hy vọng, bằng một phép màu nào đó Văn Giang sát nhập vào Hà Nội và Hưng Yên trở thành “nơi ước đến chốn mong về của dân các tỉnh xung quanh !
Tản mạn thêm vài điều về ‘cây’ và ‘ rừng’ lấp sau những con số thống kê khô khan với hy vọng giúp ích cho ai đó.