Góp phần khiến “mẹ” yếu về khả năng trả nợ
Hai “mẹ con” Công ty Cổ phần In sách giáo Hoà Phát (HTP) và Công ty Cổ phần Hưng Vượng Developer đã từng là tâm điểm của thị trường chứng khoán sau một màn thâu tóm đầy bất ngờ.
HTP là doanh nghiệp ngành sách với quy mô khá nhỏ và không liên quan gì đến bất động sản. Thế nhưng, HTP bất ngờ tăng vốn siêu tốc để trở thành “mẹ” của Hưng Vượng Developer.
Từ khi có “con cháu” bất động sản, HTP bỗng dưng gánh nợ khủng. Trong đó, đa số đến từ trái phiếu do “con cháu” phát hành. Nợ lớn tới mức HTP rơi vào tình cảnh “Khả năng trả nợ yếu”.
Cụ thể, hồi cuối năm 2022, Nợ phải trả của HTP đạt 3.803 tỷ đồng. Trong đó, tổng nợ vay lên tới 2.163 tỷ đồng. Đáng chú ý, HTP “gánh” 600 tỷ đồng Trái phiếu do Hưng Vượng Developer phát hành, 1.462 tỷ đồng Trái phiếu do Công ty cổ phần Thương mại và Dịch vụ Danh Việt (Công ty Danh Việt) phát hành và 44,2 tỷ đồng Trái phiếu Danh Việt phát hành mới.
Công ty Danh Việt là công ty con của Hưng Vượng Developer.
Những khoản trái phiếu này đã khiến HTP rơi vào tình cảnh “Khả năng trả nợ yếu”.
Hồi cuối năm 2022, Tài sản ngắn hạn của công ty là 1.661 tỷ đồng, Nợ ngắn hạn đạt 1.961 tỷ đồng.
Như vậy, Hệ số khả năng thanh toán hiện thời (Tài sản ngắn hạn/Nợ ngắn hạn) tại HTP là 0,85.
Hệ số nhỏ hơn 1 thể hiện “Khả năng trả nợ của doanh nghiệp yếu, là dấu hiệu báo trước những khó khăn tiềm ẩn về tài chính mà doanh nghiệp có thể gặp phải trong việc trả các khoản nợ ngắn hạn. Khi hệ số càng dần về 0, doanh nghiệp càng mất khả năng chi trả, gia tăng nguy cơ phá sản”.
Có thể thấy, HTP đã rơi vào tình trạng “Khả năng trả nợ yếu”.
Hưng Vượng Developer bị nghi ngờ về trái phiếu
Không chỉ khiến “mẹ” rơi vào cảnh “Khả năng trả nợ yếu”, Hưng Vượng Developer còn khiến bản thân bị nghi ngờ về trái phiếu.
Ngày 2/8/2021, Hưng Vượng Developer đã phát hành lô trái phiếu trị giá 600 tỷ đồng. Công ty Cổ phần Chứng khoán Bảo Việt và Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam – Chi nhánh Tân Định là những đơn vị thu xếp.
Mục đích của đợt phát hành trái phiếu là dùng để thực hiện nhận chuyển nhượng toàn bộ số cổ phần của Công ty Cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ - chủ đầu tư dự án Sản xuất kinh doanh hàng thủ công mỹ nghệ xuất khẩu và khu du lịch nghỉ dưỡng tại xã Tân Thắng, huyện Hàm Tân, tỉnh Bình Thuận (dự án Hodota).
Lạ ở chỗ, thông thường người đi vay hay dùng tài sản của bản thân làm tài sản đảm bảo. Đằng này, Hưng Vượng Developer phát hành trái phiếu để đi thâu tóm Cổ Kim Mỹ Nghệ nhưng lại dùng tài sản của Cổ Kim Mỹ Nghệ để cầm cố.
Cụ thể, tài sản đảm bảo của lô trái phiếu 600 tỷ đồng kể trên là 100% cổ phần Cổ Kim Mỹ Nghệ, cùng quyền sử dụng đất của 42 thửa đất tại dự án Hodota.
Thế nhưng, tại ngày 31/12/2021, chỉ tiêu Đầu tư tài chính dài hạn tại Hưng Vượng Developer là 1.277 tỷ đồng, chỉ tăng 6 tỷ đồng so với hồi cuối năm 2020. Điều đó có nghĩa số tiền mà Hưng Vượng Developer rót vào công ty không thể bằng 600 tỷ đồng trái phiếu mà công ty đã phát hành.
Vậy tiền này đi đâu? Nghi ngờ càng lớn hơn khi trong năm 2021, Hưng Vượng Developer phát sinh 310 tỷ đồng Phải thu về cho vay ngắn hạn. Con số này hồi cuối năm 2020 chỉ là 0 đồng. Đây là số tiền mà Hưng Vượng Developer cho ông Hồ Quang Tâm vay theo hình thức tín chấp.
Mục đích cho vay là phục vụ cho hoạt động kinh doanh của Bên vay. Khoản vay có kỳ hạn 6 tháng và lãi suất lên đến… 20%.
Đáng chú ý, từ ngày 10/8/2021, Hưng Vượng Developer có Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm người đại diện pháp luật là ông Hồ Quang Tâm.