Ad có một người bạn mới lập gia đình, nên phải chuyển từ Long Biên sang Cầu Giấy để tiện công việc của cả 2 vợ chồng. Tuy vậy, khi sang Cầu Giấy tìm nhà thì anh bạn này đứng giữa một ma trận giá chung cư, với mức trung bình 55-70 triệu/m2, trước đó chỉ khoảng 40-50 triệu đồng. Nghĩa là một căn hộ khoảng 70 m2, giá trung bình giờ đã là 3,5-5 tỷ đồng, bằng khoảng 10-15 năm thu nhập của cả 2 vợ chồng . Đây thực sự là một mức giá khiến người ta có cảm giác “mua hớ” và không an tâm. Vậy là anh này đành dừng lại một nhịp, chờ giá chung cư hạ nhiệt.
Tuy vậy, câu hỏi là chờ đến khi nào chung cư mới hạ nhiệt? Chờ khi nào mới hết cảm giác mua hớ? Lúc này không mua, liệu lúc khác có còn giá như vậy, hay lại lên một mức giá sốc hơn nữa? Đây chắc hẳn là câu hỏi không chỉ của một người, mà của rất nhiều người lúc này.
Theo ad, giá chung cư đang bị thổi lên, mua đi bán lại giống như cách mà môi giới thổi giá đất nền cách đây nhiều năm. Công thức là: Với một nguồn cung chung cư nhất định, nó được mua đi bán lại nhiều lần, thậm chí là không cần mua thực, bán thực, mà chỉ là hỏi han, “gạ mua” là giá đã tăng dựng đứng. Từ những lần mua đi bán lại như vậy, mặt bằng giá của các chung cư liên tục tăng lên, bất chấp giao dịch thực sự không nhiều. Người sở hữu thì coi là một tài sản lớn, không thể bán với giá thấp; người mua thì không dám mua vì sợ hớ; thiệt nhất là người có nhu cầu ở thực, phải mua một mức giá cao sau khi đã bị làm giá.
Song song với đó, các dự án mới ở xa trung tâm mở bán với mức giá cao cũng là một phần nguyên nhân khiến giá chung cư bên trong đường vành đai 3 không còn ổn định nữa. Liên tiếp các dự án cách trung tâm 10-15 km mở bán mới ở mức 70-90 triệu/m2, khiến những chung cư ở nội thành khó chỉ dừng ở mức 40-50 triệu đồng. Trong khi đó, nguồn cung mới ở nội thành gần như không nhiều; nhu cầu mua chung cư lại ngày càng tăng. Nếu để tình trạng như hiện tại, giá chung cư còn có thể lên nữa và cảm giác mua hớ sẽ vẫn còn tiếp tục.
Lúc này, cơn sốt chỉ có thể hạ nhiệt khi có công cụ hữu hiệu của Chính phủ, hoặc nguồn cung tăng đột biến. Để nguồn cung tăng đột biến thì rất khó, nhất là khi nhiều dự án khó khởi động. Cách thức hai là dùng công cụ thuế. Ở nhiều nước, việc mua đi bán lại bất động sản (kể cả chung cư, đất nền, hay bất kỳ bất động sản nào khác…) đều được theo dõi và tính thuế. Bài học các nước là đánh thuế rất cao vào căn nhà thứ 3, căn nhà bị bỏ hoang, hay căn nhà được mua đi bán lại quá nhanh trong một thời gian ngắn… khiến tình trạng đầu cơ, tăng giá được xử lý triệt để. Đây cũng là giải pháp để người thực sự có nhu cầu có thể sớm sở hữu nhà ở, đúng như mục tiêu mà Chính phủ đề ra.
Tuy vậy, các công cụ thuế vẫn là một giải pháp đang được nghiên cứu. Từ nay đến lúc trở thành hiện thực thì việc quản lý giá bất động sản vẫn ở mức khó “bắt mạch” và “bốc thuốc”.
Theo Review Bất Động Sản