Theo đó, tại khoản 7 Điều 45 Luật Đất đai 2024 có quy định: Cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa quá hạn mức quy định tại Điều 176 của luật này thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa bao gồm các nội dung theo quy định tại khoản 6 điều này và được UBND cấp huyện phê duyệt, trừ trường hợp người nhận tặng cho là người thuộc hàng thừa kế.
Cụ thể, khoản 1 Điều 176 quy định hạn mức giao đất trồng cây hằng năm, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối cho cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp được quy định như sau: Không quá 3ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha cho mỗi loại đất đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác.
Trong khi đó, theo quy định cũ tại Điều 191 Luật Đất đai 2013, hộ gia đình, cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp không được nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa. Thông tư 33/2017 của Bộ Tài nguyên & Môi trường cũng đã hướng dẫn việc xác nhận hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp để làm căn cứ xác định đủ điều kiện nhận chuyển nhượng, nhận tặng cho đất trồng lúa (nhiều người thường gọi là xác nhận "nông dân").
Như vậy, việc cho phép cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp được phép nhận chuyển nhượng, tặng cho quyền sử dụng đất trồng lúa kèm theo các điều kiện để bảo toàn diện tích đất nông nghiệp là phù hợp với xu thế phát triển nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp quy mô lớn như hiện nay.
Điều này cũng tạo điều kiện để phát triển nông nghiệp trong bối cảnh mới, nâng cao giá trị kinh tế của nghề trồng lúa, phát triển nền nông nghiệp nói chung của đất nước; tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân được chuyển nhượng thuận tiện hơn hoặc chuyển đổi nghề bảo đảm cuộc sống.
Bên cạnh điểm mới về chuyển nhượng đất trồng lúa, Điều 177 Luật Đất đai 2024 còn quy định tăng hạn mức nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân không quá 15 lần hạn mức giao đất nông nghiệp, trong khi Luật Đất đai 2013 quy định hạn mức là 10 lần. Điều này nhằm tăng cơ hội tích tụ ruộng đất cho các hộ gia đình, cá nhân, phục vụ hoạt động sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.
Ngoài ra, Điều 179 Luật Đất đai 2024 có quy định tăng thời hạn thuê đất công ích do UBND cấp xã quản lý (thường gọi là quỹ đất 5%) từ 5 năm theo Luật Đất đai 2013 thành 10 năm. Như vậy, quy định mới này góp phần giúp các cá nhân được thuê quỹ đất công ích có thời gian sử dụng đất thuê ổn định, giúp người thuê yên tâm đầu tư sản xuất ổn định trên đất thuê.
Lê Na/Đời sống Pháp luật