Sự trả lời chính thức của cơ quan quản lý về tính pháp lý của condotel nói riêng, bất động sản du lịch xây trên “đất thương mại dịch vụ” nói chung đã dập tắt những hi vọng le lói của nhiều nhà đầu tư, đặc biệt vụ đổ vỡ đình đám Co Co Bay Đà Nẵng với việc Chủ đầu tư -Tập đoàn Empire tuyên bố từ 1/1/2020 dừng thanh toán cam kết lợi nhuận cho khoảng 1800 khách hàng đã mua hơn 2000 căn condotel tại dự án Co Co Bay.
Nhiều nghìn khách hàng đã mua condotel, shoptel, minihotel …được xây trên “đất thương mại dịch vụ” ở khắp tỉnh thành từ Nam ra Bắc, từ hải đảo lên núi cao: Phú Quốc, Nha Trang, Đà Nẵng, Hạ Long, Đà Lạt, Hòa Bình… với giá cao hơn chung cư cao cấp hay biệt thự liền kề….xây trên “đất ở lâu dài” ở đô thị như ngồi trên đống lửa với nỗi lo đổ vỡ donimo đã và đang tìm mọi cách thoát hàng: từ năn nỷ CĐT dừng đóng tiền và dồn căn, tới dọa dẫm, rao bán cắt lỗ…. COVID đã và đang hủy hoại thị trường du lịch với sự sụt giảm lượng khách nước nước ngoài tới 78,7% và 56% cơ sở lưu trú đóng cửa (số liệu chính thức cập nhật ngày 25/12/2020), nó cũng là cú đấm bồi hạ knockout thị trường bất động sản du lịch.
Nhà đầu tư tiến, thoái lưỡng nan
Trước xu thế down -Trend khó có thể đảo ngược, không có được sự may mắn như các nhà đầu tư F1,F2 các nhà đầu tư F3, F4...đang bị dồn vào thế chân tường. Mỗi nhóm khách hàng lại có những hành động khác nhau: Với những nhà đầu tư dùng đòn bảy tài chính hoặc dùng vốn tự có đầu tư ăn cam kết thì tìm mọi cách dừng đóng tiền, dồn căn, cắt lỗ; nhà đầu tư mua để thể hiện sự giàu có, khẳng định mình … giai đoạn đầu khá bình tĩnh trước đề nghị đàm phán lại, hay quyết định dừng trả cam kết lợi nhuận… của CĐT, nay cũng đã nhảy dựng lên khi nhận thức rõ sự khác biệt giữa BĐS nghỉ dưỡng và BĐS thông thường; với đối tượng thứ ba- thừa tiền mua chơi thì họ phản ứng theo kiểu ma-ke-no vì họ mua để đó, mua để thỉnh thoảng đến nghỉ hay mời bạn bè đến sử dụng …. Tiếc thay, họ chỉ có thể thể hiện được đẳng cấp khi các dịch vụ, công trình tiện ích toàn khu hay tòa nhà phải hoạt động… nay các công trình này không thể hoàn thành do hầu hết khách hàng dừng đóng tiền… vậy nên “bán quách đi, cho nhẹ đầu, được đồng nào thì được” là giải pháp tối ưu đối với họ.
Tuy nhiên, “kẻ thứ ba” khó xen vào cuộc “hôn nhân” giữa CĐT và người mua. Người thứ ba sẽ phải đạt được sự thỏa thuận với người bán và chấp nhận các thỏa thuận với chủ đầu tư, trong khi chủ đầu tư đang lật kèo, xù cam kết vậy nên có bán tháo cũng ít người quan tâm là điều dễ hiểu.
Ai là Cốc, ai là Cò?
Khách mua condotel đã bỏ tiền ra để CĐT xây khách sạn, hai bên thống nhất tỷ lệ phân chia lợi nhuận 80/20 ( sau khi trừ chi phí) nghĩa việc CĐT thuê công ty quản lý nổi tiếng bằng tiền của doanh thu, bản chất là tiền của người đầu tư. Như vậy, có tới 3 lần CĐT lấy “mỡ nó rán nó”: (1) tiền xây khách sạn; (2) tiền trả cam kết lợi nhuận trong giai đoạn đầu ( nâng giá bán, lấy phần vênh trả cam kết lợi nhuận cho khách mua); và (3) kinh doanh không vốn hưởng lãi 20% . Đó mới là bước một.
Với những toà condotel có vị trí tiềm năng, gặp phải CĐT muốn “ăn cả giày lẫn tất” họ sẽ chủ động vận hành condotel lỗ vài năm, người mua- chủ sở hữu thực thụ không những không được phân chia lợi nhuận (chỉ được phân chia khi có lãi) mà còn phải bỏ thêm tiền để đảm bảo khách sạn hoạt động bình thường, duy tu bảo dưỡng .... từ thất vọng, tới đấu tranh, chán nản rồi buông bỏ... tới lúc đó trực tiếp hoặc gián tiếp CĐT mua lại các căn hộ với giá “rẻ như cho”, khi gom xong là hoàn tất bước hai “tay không bắt giặc”.
Người mua shoptel, minihotel, villetel hay condotel thường có cả phương án dự phòng: một là để đầu cơ hai là tự khai thác. Tiếc thay, trong cơn say mấy ai tỉnh táo ! Khi vào Trend, mua là thắng, người mua trước bán cho người mua sau, cứ vậy cả nhà cùng vui! nhà đầu tư F1, F2 thắng lợi ... ai “tiếc lãi” giữ lại thì chịu chung số phận với F3,F4 ....cắt lỗ không nổi đành chọn phương án hai: để lại kinh doanh !
Tính toán phương án tự doanh thấy mắc tứ bề: người mua shoptel, minihotel phải bỏ ra tổng số tiền khoảng 15-30 tỷ (tuỳ dự án và diện tích) thường có điều kiện về tài chính và thu nhập khác nhau nên không sẵn sàng di chuyển từ chỗ ở hiện tại ( các TP lớn và các tỉnh thành khác) đến để tự kinh doanh. Thuê người quản lý và nhân viên để kinh doanh là không khả thi do qui mô quá nhỏ không thể có đầy đủ ban, bệ ( lễ tân, buồng, bàn, thu ngân, thủ quỹ, bảo vệ...)như một khách sạn qui mô được. Người đầu tư một vài căn condotel cũng sẽ rất phiền toái khi ở xa nhưng lại phải tìm người tin tưởng giao quản lý tài sản, làm các công việc theo quy trình của một khách sạn từ bàn giao căn hộ khi khách đến, làm vệ sinh và kiểm tra, nhận lại căn hộ khi khách đi, đảm nhận thêm cả việc tìm và trông thợ sửa chữa mỗi khi trang thiết bị hỏng hóc...đó là những trường hợp thuận buồn xuôi gió, tòa nhà đã đi vào hoạt động. Với những tòa condotel, đang dở hoặc quá nhiều căn hộ không hoạt động dẫn tới CĐT không đủ kinh phí vận hành các tiện ích thì có muốn tự doanh cũng khó có thể làm được.
Trước thực trạng này, sẽ xuất hiện những đối tượng có nghề kinh doanh khách sạn đi thuê và gom thuê lại những minihotel, shoptel, condotel ....với giá “rẻ như cho” hàng thành lập chuỗi khách sạn, homestay, air-bnb ...sử dụng công nghệ và hệ thống đặt phòng toàn cầu, xây dựng thương hiệu....vậy nên nguy cơ Cốc mò- Cò xơi đối với bất động sản nghỉ dưỡng là có thật .