Sau hai năm thực thi, dù lãi suất gói 120.000 tỷ đồng đã được hạ sâu hơn 2%, Bộ Xây dựng vẫn báo động tỷ lệ giải ngân ở mức báo động, cho thấy hiệu quả chính sách còn rất hạn chế.
Báo cáo giám sát chuyên đề của Bộ Xây dựng gửi Quốc hội đã chỉ rõ thực trạng đáng lo ngại về gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, được kỳ vọng là "đòn bẩy" hiện thực hóa mục tiêu một triệu căn nhà ở xã hội đến năm 2030: Dù lãi suất đã được Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh giảm 4 lần, tổng cộng hơn 2% kể từ khi triển khai vào tháng 4/2023, tỷ lệ giải ngân vẫn "ì ạch" ở mức trên 2%.
👉 Tính đến nay, dù quy mô gói vay đã tăng lên 145.000 tỷ đồng với sự tham gia của 9 ngân hàng, chỉ có 97 dự án tại 38 tỉnh, thành được công bố đủ điều kiện vay vốn.
Tuy nhiên số tiền thực tế được giải ngân mới đạt khoảng 3.400 tỷ đồng, phần lớn dành cho chủ đầu tư. Riêng 4 tháng đầu năm 2025, con số này chỉ nhích thêm hơn 550 tỷ đồng.
Lý giải về tình trạng này, Bộ Xây dựng chỉ ra nhiều "điểm nghẽn".
Thứ nhất là Nguồn cung nhà ở xã hội còn hạn chế, trong khi không ít chủ đầu tư "vướng" các điều kiện vay vốn và bảo đảm dư nợ.
Thứ hai, lãi suất ưu đãi hiện tại vẫn được đánh giá là "chưa đủ hấp dẫn", cộng với thời gian vay ngắn, khiến cả doanh nghiệp lẫn người dân còn "e dè".
Thứ ba, quy định phức tạp về đối tượng thụ hưởng cũng gây không ít khó khăn cho người dân khi tiếp cận nguồn vốn ưu đãi.
‼️ Để "khơi thông" dòng vốn, Bộ Xây dựng đề xuất nới lỏng hạn mức tín dụng cho các ngân hàng thương mại đối với phần cho vay nhà ở xã hội.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước cũng đã có động thái tương tự khi không tính 145.000 tỷ đồng đăng ký cho vay vào hạn mức tăng trưởng tín dụng.
Đồng thời, Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các ngân hàng thực hiện nghiêm túc cam kết về lãi suất và thời gian cho vay, tạo điều kiện thuận lợi cho cả chủ đầu tư và người mua nhà.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ đã chỉ đạo nghiên cứu gói tín dụng mới 30.000 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước để hỗ trợ người mua, thuê, xây dựng và cải tạo nhà ở xã hội.
=> Điều này cho thấy sự quyết tâm của Chính phủ trong việc thúc đẩy phân khúc nhà ở này, vốn được xem là trụ cột an sinh xã hội. Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải đảm bảo chất lượng hạ tầng kỹ thuật và xã hội tại các dự án nhà ở xã hội, tương đương với các dự án thương mại, đồng thời yêu cầu đẩy nhanh thủ tục và thi công để giảm giá thành sản phẩm.