Bản thân người viết cũng bắt đầu tìm hiểu về kiến trúc chữa lành (healing architecture) cách đây mấy năm, khi được mời đi tham quan và làm speaker tại event mở bán dự án Trung Nguyên Legend, một trong những dự án xây dựng theo kiến trúc chữa lành đầu đầu tiên ở Việt Nam.
Vậy Bất động sản chữa lành là gì?
BĐS chữa lành (Wellness Real Estate) được tổ chức Global Wellness Institute định nghĩa là việc xây dựng các BĐS nhà ở và BĐS thương mại/tổ chức có chủ đích tích hợp các yếu tố hỗ trợ sức khỏe vào thiết kế, vật liệu, công trình xây dựng, tiện ích, các dịch vụ và hoạt động vận hành.
Theo tìm hiểu của người viết, hiện tại chưa có một khung pháp lý chuẩn mực nào cho việc xác định dự án bất động sản chữa lành, nhưng theo thông lệ dự án BĐS đó sẽ cần có các yếu tố sau:
1. Không gian xanh và gần gũi thiên nhiên
2. Thiết kế kiến trúc thân thiện với sức khỏe
3. Tiện ích chăm sóc sức khỏe toàn diện
4. Ứng dụng công nghệ xanh và tiết kiệm năng lượng
5. Cộng đồng cư dân văn minh và kết nối
6. Vị trí và môi trường sống an toàn
Tổ chức nào cấp chứng nhận Bất động sản chữa lành?
Theo tìm hiểu, cũng hoàn toàn chưa có 1 tổ chức nào có thẩm quyền hay uy tín để cấp chứng chỉ liên quan đến bất động sản chữa lành. Tuy nhiên có 1 số chứng chỉ có liên quan như sau:
-LEED (Leadership in Energy and Environmental Design): Chứng nhận quốc tế về thiết kế và vận hành công trình xanh, tập trung vào hiệu quả năng lượng, tiết kiệm nước, giảm phát thải CO₂ và cải thiện chất lượng môi trường trong nhà.
-WELL-Building Standard: Chứng nhận quốc tế tập trung vào sức khỏe và sự thoải mái của người sử dụng thông qua các yếu tố như chất lượng không khí, ánh sáng, dinh dưỡng, thể chất và tinh thần.
-EDGE (Excellence in Design for Greater Efficiencies): Chứng nhận quốc tế của IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới) nhằm thúc đẩy xây dựng xanh với chi phí hợp lý, tập trung vào tiết kiệm năng lượng, nước và vật liệu.
Như vậy, không hẳn dự án cứ có nhiều cây xanh, mảng xanh thì sẽ là bất động sản chữa lành mà còn phải liên quan đến nhiều yếu tố khác về vấn đề hỗ trợ sức khoẻ nữa, VD như thiết kế kiến trúc có thân thiện với sức khoẻ không, tiện ích chăm sóc sức khoẻ thế nào, cộng đồng dân cư có văn minh và mang tính kết nối hay không, môi trường sống có an toàn không nữa…
Rõ ràng hiện tại, để đáp ứng các yếu tố trên các yêu cầu về việc thiết kế, đầu tư xây dựng, và chi phí vận hành là rất lớn. Chủ đầu tư và đơn vị phát triển dự án phải rất có năng lực triển khai, năng lực tài chính và tầm nhìn mới triển khai được. Và để đánh giá thì phải dựa vào feedback của cư dân, của thị trường những người đã thực sự sinh sống tại dự án khi hoàn thành mới có thể “chấm điểm” được.
Hiện tại, nguồn cung của các dự án bất động sản đang còn hạn chế, nhu cầu về bất động sản thì luôn rất lớn. Việc xuất hiện các dự án BĐS chữa lành, hoặc có một vài yếu tố mang tính chữa lành, cũng làm gia tăng thêm sự phong phú sản phẩm cho thị trường.
Về mặt tâm lý, các dự án đó cũng đang bắt được 1 trend chung khá nóng sốt những năm gần đây: trend chữa lành!
Nguồn: Đinh Hoàng Thắng