Đây cũng là thời điểm mà các trò "bịp bợm" từ môi giới bất động sản trở nên phổ biến, đòi hỏi người mua phải hết sức cẩn trọng.
Số 1: Tìm hiểu hoàn cảnh người bán để lên kế hoạch ép giá, mua với giá hời hơn so với giá thị trường, rồi lướt sóng trong thời gian ngắn:
- Thành lập nhóm để “đè” giá người bán
Thời điểm giữa năm 2023, lô đất thổ cư gần 1,000m2 của trường hợp chị Quyên (47 tuổi, quận Bình Tân, TPHCM) được môi giới chào mua với giá 55 tỷ đồng, hứa sẽ làm thủ tục chuyển nhượng và thanh toán trong vòng 45 ngày. Chị Quyên do dự, nhưng vì đang vay nợ ngân hàng nên gật đầu bán. Tuy nhiên, đợi chờ mãi vẫn không thấy môi giới phản hồi.
Gần 1 tháng sau, thêm một môi giới khác nói với chị Quyên rằng có người muốn mua lô đất trên với giá 50 tỷ đồng. Dù không muốn bán với mức này, nhưng khoản nợ đáo hạn ngân hàng cận ngày phải trả nên chị Quyên đồng ý bán. Kết quả cũng không khác gì lần trước khi môi giới tiếp tục “im hơi lặng tiếng”.
- Nắm thóp để ép giá
Nắm được thóp chị Quyên đang vay nợ, nhiều môi giới tụ tập thành nhóm, giả làm nhà đầu tư để tiếp tục ép giá lô đất xuống còn 47 tỷ đồng. Do áp lực ngân hàng, sau thời gian bị ép, chị Quyên phải bán lô đất giá 45 tỷ đồng vào cuối năm 2023.
“Có người gọi hỏi mua đất, tôi rất mừng. Chỉ trong khoảng 6 tháng, 7-8 môi giới và nhiều người xưng là nhà đầu tư gọi điện đến hỏi mua lô đất của tôi. Kỳ lạ là mỗi lần hỏi thì giá bị đẩy xuống và hình thức hỏi như nhau làm tôi rất lo lắng, nhưng tôi vẫn quyết định bán vì không còn sự lựa chọn” - chị Quyên chia sẻ.
Số 2: Nhiễu loạn thông tin rao bán ảo
- 1 đất nhưng 2 giá
Anh Tài (35 tuổi, ở Thủ Đức) cho biết đã trở thành nạn nhân của thông tin rao bán ảo từ môi giới. Khi tìm mua đất nền ở các khu vực vùng ven như quận 9 (cũ) vào hồi tháng 10/2024, anh liên hệ với môi giới tại khu vực để hỏi mua lô đất ở phường Phước Long B. Sau quá trình trao đổi, anh chốt được giá và định đặt cọc thì có một môi giới khác cũng rao bán lô đất này với giá rẻ hơn gần 200 triệu đồng.
“Cùng một lô đất nhưng có người rao bán giá thấp hơn nên tôi vừa mừng vừa lo. Mừng vì đỡ được khoản chi phí cũng tương đối, nhưng lo nhiều hơn, vì sợ bị lừa” - anh Tài chia sẻ.
Tâm lý bất an, anh Tài đã đi gặp môi giới thì được dẫn tới một lô đất khác, với các thông tin không trùng khớp so với mảnh đất anh định đặt cọc.
- Căn hộ “ưu đãi” nhưng chi phí tăng từng ngày
Để thu hút người mua, môi giới có thể đưa ra các mức giá hấp dẫn, thấp hơn so với thị trường. Tuy nhiên, số tiền thực tế người mua phải trả lại khác xa. Anh Minh (42 tuổi) đã gặp tình huống này khi mua một căn hộ với giá "ưu đãi" khoảng 2.5 tỷ đồng tại khu vực ngoại ô TPHCM, nhưng sau đó tá hỏa khi phải trả thêm nhiều khoản chi phí không được thông báo trước đó, khiến tổng số tiền phải bỏ ra vượt xa dự tính ban đầu.
“Trước khi xuống tiền cọc mua căn hộ, tôi đã được môi giới tư vấn về căn dự định mua và các khoản chi phí. Nhưng sau khi đặt cọc, có nhiều khoản phí “không tên” như phí xử lý giấy tờ, phí quản lý dự án, phí kê khai… khiến tổng chi phí tăng lên 10-15% so với dự tính ban đầu” - anh Minh bức xúc nói.
TC & Cuộc Sống