5 dự án cầu vượt nhẹ được Sở Giao thông vận tải Hà Nội đề xuất xây dựng tại các nút giao: Châu Văn Liêm - Lê Quang Đạo (quận Nam Từ Liêm); Cổ Linh - Thạch Bàn (quận Long Biên); Hoàng Minh Giám - Nguyễn Tuân (quận Thanh Xuân); Cổ Bi - Ngô Xuân Quảng (huyện Gia Lâm); Nguyễn Huy Nhuận - Lý Thánh Tông (huyện Gia Lâm).
Điều này khiến mình khá tò mò không biết lệu có cơn sốt đất như cầu Tứ Liên? Bởi trước đó đã có thông tin giá bất động sản hai bên bờ sông Hồng tăng chóng mặt, dù các cây cầu Tứ Liên, Trần Hưng Đạo và Ngọc Hồi mới được thống nhất chủ trương xây dựng.
Theo khảo sát mới đây nhất, giá đất tại các khu vực như:
Khu vực Đông Anh: Đất thổ cư gần chân cầu Tứ Liên dao động từ 150 - 180 triệu đồng/m².
Khu vực Long Biên: Các dự án có giá nhà liền kề lên tới 274 triệu đồng/m², biệt thự đơn lập 636 triệu đồng/m². Căn hộ cao cấp giá trung bình từ 70 - 110 triệu đồng/m².
Khu vực Thanh Trì (Ngọc Hồi): Giá đất tăng từ 85 - 182 triệu đồng/m², tăng mạnh so với đầu năm.
Trong số quận huyện ven Hà Nội, duy chỉ có giá đất Văn Giang (Hưng Yên) đang đi xuống, ở mức 44 triệu đồng/m2 sau khi lập đỉnh ở mức 47 triệu đồng/m2 ở quý trước.
Theo chuyên gia, việc xây cầu và cải thiện hạ tầng sẽ thúc đẩy kinh tế và bất động sản nhờ rút ngắn quãng đường di chuyển vùng ven vào nội đô. Tuy nhiên, nhà đầu tư cần cân nhắc tính thanh khoản, đặc biệt khi giá đất hiện ở mức cao, khó kỳ vọng "lướt sóng".
Nhà đất trong khu dân cư có giá thấp hơn đất dự án, đáp ứng nhu cầu thực, thanh khoản tốt hơn. Nhà đầu tư được khuyến cáo không nên mạo hiểm với đòn bẩy tài chính trong bối cảnh hiện tại.