Cuối năm âm lịch thường là thời điểm thị trường bất động sản ghi nhận sự gia tăng về mức độ quan tâm và nhu cầu của người tiêu dùng.
Trong đó, tâm lý “đầu năm mua đất, cuối năm mua nhà” và việc nhiều người có nguồn thu nhập dồi dào hơn (từ lương, thưởng Tết) là những yếu tố hàng đầu thúc đẩy nhu cầu “mua nhà đón Tết”.
Theo dữ liệu của Batdongsan.com.vn, giá bán chung cư tại Hà Nội đã tăng 58% vào quý IV/2024 so với quý I/2023. Điều này phần nào phản ánh sự gia tăng trong nhu cầu vào dịp cuối năm.
Những ngày gần đây, chị Vũ Thị Thanh Xuân (42 tuổi quê ở Bắc Giang) bắt đầu lên các trang mạng tìm kiếm các dự án để đi mua nhà tại Hà Nội.
Chị Xuân chia sẻ, các dự án chung cư mới ra hàng thời điểm này rất hiếm, chủ yếu dự án phải đến cuối năm 2025 hay 2026. Thậm chí có những dự án phải đến tận 2027 mới bàn giao.
Sau khi tìm kiếm, chị Xuân được các môi giới mời chào liên tục và đưa ra nhiều chính sách ưu đãi như lãi suất thấp, chiết khấu cao, thanh toán linh hoạt…
“Tuy nhiên, nhu cầu của gia đình tôi là mua nhà về để ở luôn chứ không phải đầu tư. Chính vì vậy, tôi đã chuyển sang tìm mua chung cư cũ và tìm nhà trong ngõ” - chị Xuân nói.
Theo chị Xuân, với chung cư cũ, nhà trong ngõ chủ nhà thường đưa ra các chính sách ưu đãi như giảm giá cuối năm để thoát hàng.
Ông Lê Bảo Long – Giám đốc Marketing của Batdongsan.com.vn - khuyến nghị người mua nhà trong thời điểm này cần chú ý đến các vấn đề giá cả (có ưu đãi nhưng giá nhà vẫn có thể ở mức cao do nhu cầu tăng).
Ngoài giá cả thì chất lượng (kiểm tra chất lượng công trình, pháp lý dự án), vị trí (cân nhắc kỹ về vị trí, tiện ích xung quanh), lãi suất ngân hàng (có thể thay đổi theo thời gian) và cập nhật tình hình thị trường để đưa ra quyết định đúng đắn.
Khảo sát của PV cho thấy, thời gian qua, rất nhiều ngân hàng đang tung ra các chính sách hấp dẫn để thu hút khách hàng mua nhà. Có ngân hàng đưa ra mức lãi suất cho vay cực “mềm” khoảng 5-6%, tuy nhiên, không ít trong số đó thời gian áp dụng chỉ trong vòng 3 - 6 tháng. Sau khi hết thời gian ưu đãi, lãi suất sẽ được thả nổi.
Thực tế, cũng đã có không ít người mua nhà đã và đang phải oằn vai bởi khoản nợ sau khi hết hạn ưu đãi. Nhiều trường hợp sau khi lãi suất thả nổi tăng lên 13-14%, gánh nặng quá lớn, đã phải bán tháo tài sản để cắt nợ.
Trước thực tế trên, theo các chuyên gia, người vay mua nhà phải cân nhắc kỹ khả năng trả nợ. Tỷ lệ an toàn là các khoản thanh toán không quá 30-40% thu nhập hàng tháng. Còn với nhà đầu tư, đây là thời điểm thích hợp cho cuộc đua đường dài, không dùng đòn bẩy tài chính.
Ông Đinh Minh Tuấn - chuyên gia của Batdongsan.com.vn - khuyến cáo nếu mua để ở, người mua nên xuống tiền sau khi 3 bộ luật có hiệu lực và thị trường thẩm thấu các chính sách mới. Dù giá có thể cao hơn nhưng các quy định mới sẽ bảo vệ tốt hơn, giảm rủi ro cho người mua nhà.
"Tuyệt đối không nên mua nhà vì tâm lý đám đông, sợ lỡ cơ hội mà phải cân nhắc câu chuyện tài chính trước khi đưa ra quyết định, tránh rơi vào bẫy lãi suất, gánh nợ quá lớn" - ông Đinh Minh Tuấn nhấn mạnh.
Theo Lao Động