Theo các chuyên gia tài chính, ba yếu tố người trẻ cần cân nhắc khi xuống tiền đầu tư nhà đất.
Đầu tiên là thu nhập. Theo một nghiên cứu gần đây, nếu không nhận được sự hỗ trợ tài chính từ gia đình, mức thu nhập tối thiểu cần có để mua nhà ở các thành phố lớn là 30 – 45 triệu đồng/tháng. Đây được coi là mức để có thể tích lũy được một khoản tiền trả trước và trả thêm gốc và lãi ngân hàng hàng tháng.
Thứ hai, cần tích luỹ đủ một khoản trả trước. Để mua nhà, thường cần ít nhất 30% giá trị tài sản để làm khoản trả trước, và có thể vay tối đa 70% từ ngân hàng, tùy vào điều kiện vay và khả năng tài chính của bạn. Do đó, tích lũy một khoản tiền nhất định là điều cần thiết trước khi mua nhà. Xây dựng kế hoạch tiết kiệm sớm sẽ dễ dàng đạt được mục tiêu này.
Và thứ 3 là lựa chọn một khoản vay hợp lý. Để tránh rủi ro tài chính, chỉ nên vay sao cho chi phí trả nợ hàng tháng không vượt quá 50% thu nhập hoặc 70% số tiền bạn tiết kiệm được hàng tháng.
"Nếu thu nhập của bạn là 30 triệu và tiết kiệm 10 triệu mỗi tháng, bạn nên giới hạn khoản vay sao cho số tiền trả gốc và lãi hàng tháng không quá 7 triệu đồng", vị chuyên gia tài chính ví dụ.
Ngoài ra, trước khi xuống tiền đầu tư nhà đất, người trẻ cũng cần tìm hiểu và có một số đánh giá về mức tăng giá dự kiến để lựa chọn khoản vay cho phù hợp, chu kỳ của bất động sản để định hướng rõ thời điểm mua bán, xác định mục tiêu đầu tư là dài hạn hay lướt sóng. Cùng với đó là tính thanh khoản của bất động sản để nếu cần có thể thu hồi vốn sớm.
Các bước sau đây sẽ giúp người trẻ có một lộ trình tài chính đúng đắn khi quyết định mua nhà:
Trước hết, kế hoạch mua nhà nên phù hợp với các mục tiêu lớn trong cuộc sống, một kế hoạch tài chính tổng thể. Tùy từng thời điểm, mục tiêu của mỗi người có thể khác nhau, và đầu tư vào nhà đất có thể hỗ trợ hoặc cản trở những mục tiêu đó. Ví dụ, nếu có định đi du học trong vòng 6 tháng tới, việc mua nhà có thể khiến mục tiêu này gặp khó khăn khi cần bán để lấy tiền đi học. Do đó, hãy xây dựng bức tranh mục tiêu lớn và cân nhắc xem liệu mua nhà có phù hợp với hoàn cảnh hay không.
Kế đến, để đảm bảo an toàn tài chính, trước khi mua nhà, người trẻ nên chuẩn bị một quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng chi tiêu cần thiết và tham gia bảo hiểm giảm thiểu rủi ro bất ngờ.
Khi mua nhà hãy xem xét kỹ các yếu tố tài chính như đã liệt kê, thiết lập kế hoạch trả nợ rõ ràng, tìm hiểu đầy đủ về pháp lý và hoàn tất các thủ tục cần thiết.
Cuối cùng, khi đã sở hữu trong tay bất động sản nhưng đừng quên quản lý tài chính cá nhân chặt chẽ và kiểm soát chi tiêu để đảm bảo trả nợ theo đúng kế hoạch đã đề ra.
Nguồn: Vietnamfinance