Biết đâu đấy tương lai mình lại trở thành “cò đất”, mà cò đất cũng sắp phải xin cấp “chứng chỉ hành nghề rồi đấy”, không dễ đâu. Nói là cò đất nó hơi thiếu thiện cảm chứ đúng ra phải gọi là chuyên gia “môi giới bất động sản”. Nghề môi giới là nghề mang lại giá trị cho cả người mua và người bán. Trong xã hội ngày nay thì nghề môi giới khá phổ biến trong tất cả các ngành nghề, không phải riêng BĐS. Nếu không phải dân chuyên buôn BĐS thì việc mua bán một mảnh đất nhất là đối với những anh em ít tiền như mình thì thật sự là điều cực kỳ vất vả. Càng ít tiền càng sợ hãi. Các cụ bảo “mạnh vì gạo, bạo vì tiền” rất đúng.
Cách đây 14 năm sau thời gian đi làm tích cóp được chút đỉnh, mình và ông em cùng cơ quan quyết định rủ nhau tìm mảnh đất để “cắm dùi” cho tâm lý nó yên tâm. Mình thì dù gì cũng sinh ra và lớn lên ở đây từ bé, chả lẽ lại ko có mảnh đất cắm dùi nào nó chả ra sao cả, trong khi bà con các tỉnh lên Thủ đô “khai hoang”, đổ bộ khắp nơi. Nhiều ông nhảy dù trước khi có luật giờ thành địa chủ rồi. Ngẫm lại các cụ nhà mình học hành giỏi giang , đi Tây đi Tàu du học rồi theo cái anh nhà nước chờ phân đất theo tiêu chuẩn vẫn không bằng mấy bố nhảy dù.
hổ nỗi tiền chả có dư, tính mua mảnh đất ngoại ô thôi mà phải tính vay ngân hàng 1 nửa thì mới đủ. Nhưng dù sao cũng đã quyết rồi nên cứ hết giờ làm là ra cây xăng đổ đầy bình xăng con Dream và lên đường. Khi nào thấy bình xăng gần cạn thì quay về, ngày nào cũng tốt mịt với về tới nhà, quần áo, mắt mũi lấm lem đầy bụi nhưng tinh thần phấn chấn lắm.
Thời đó Hà nội đang chuẩn bị quy hoạch lại, mình làm giao thông nên cũng biết vài chủ trương mở đường nên theo bước các đàn anh tìm đất khu vực phía Tây. Đây cũng là “lần đầu tự làm chuyện ấy” nên nó chả tránh được bỡ ngỡ. Việc đầu tiên là tìm thông tin trên mạng và báo mua bán. Vì đã biết là tin rao bán trên báo thì họ câu view để tìm khách hàng có nhu cầu mua chứ chả có cái mảnh nào thông tin chuẩn cả. Cò đất ở ngoại ô thì phải nói là rất nhiệt tình và chu đáo, đến đầu làng là hỏi han mời vào nhà uống nước rồi dẫn đi một vòng quanh làng, không bao giờ thu phí dẫn đi như cò thành phố thời đó. Kể ra đi với mấy anh cò học được khối kiến thức kinh doanh và phong thủy đấy, rất bài bản. Đầu tiên là công tác “tìm hiểu nhu cầu khách hàng” xong đến “công tác truyền thông định hướng” để khách mường tượng và định vị giá đất khu vực. Anh dẫn mình đi một vòng chỉ : mảnh này đường to nhưng thót hậu 15 triệu/m2, mảnh này vuông vắn nhưng bị đường đâm vào nhà nên 12 triệu/m2, mảnh này đẹp nhưng diện tích lớn nên giá mềm hơn 10 triệu/m2 …. Mảnh này cực đẹp, vuông vắn vừa miếng nhưng lại vướng cái... cột điện.
Rồi việc mua là do mình tự quyết định nhưng kiểu gì cái mảnh phù hợp với nhu cầu của mình thì cũng là ngon nhất trong những mảnh được dẫn đi xem. Mà điều chắc chắn là cùng 1 mảnh đất thì mỗi ông “cò” sẽ phát một giá khác nhau nên cũng chả biết giá nào là giá thật. Sau 2 tháng lọ mọ thuộc hết ngõ ngách mấy làng ven đô, hai anh em cũng tìm được mảnh ưng ý nhưng mảnh to nên lại phải tìm thêm 1 ông nữa mua vì chủ chỉ đồng ý bản toàn bộ mà 2 anh em lại thiếu xèng . Vụ này không nhanh là mất ngay cơ hội vì tìm được mảnh đất rẻ ưng ý nó mất công lắm.
Nhưng đúng là mua đất nó cũng có số. Đang tìm chưa được ông nào mua cùng thì cái ông em cùng phòng cơ quan cũ lại tò tò gọi điện hỏi “đợt này anh có tìm mua đất ở đâu ko cho em chung với”. Thế là đủ rồi nhé, chốt chuyển tiền đặt cọc luôn mà vẫn nơm nớp lo hai bố kia có xoay kịp tiền như đã chém không. Bước tiếp theo là đo đạc, chia làm 3 mảnh, bớt lại ngõ đi, ông nào nhận lô nào… tỷ việc, việc nào cũng phải thống nhất được 3 ông thì mới xong.
Theo hợp đồng đặt cọc thì ba anh em có 3 tuần để chuẩn bị tiền nhưng mới được 2 ngày thì ông bán gọi điện bão: Đầu tuần sau chú chuyển đủ toàn bộ tiền đất cho anh nhé, không thì anh trả lại chú tiền cọc bán cho người khác, anh đang cần tiền gấp, thế có nhục không. Vậy là nửa đêm gọi điện báo cho 2 ông kia, điên lắm nhưng biết làm thế nào, đã đâm lao thì phải theo lao thôi, dù sao kèo thơm thì vẫn phải cố, phải xoay vậy.
Sau vụ mua đất đấy mỗi anh em sụt mất mấy cân, cơ mà trưởng thành hẳn lên hẳn và rút ra kết luận và một số kinh nghiệm:
- Tiền luôn thiếu vào lúc cần thiết, với mấy ông nghèo thì đây là quy luật.
- Mua đất nó cũng có số.
- Cò là nghề tạo ra giá trị cho cả người mua và người bán, hãy tôn trọng và hợp tác với cò nhưng tin cò vừa vừa thôi.
- Đặt cọc mua thì nên đặt nhiều lên chứ ít rất dễ bị lật kèo.
- Chuẩn bị sẵn phương án tài chính sẽ chủ động, đỡ lo chủ nhà nó lật.
- Mua đất làng bắt buộc phải để ý cái ngõ vì cái ngõ hiện tại nhìn ngon lành có khi chưa chắc mình đã được đi vì nó là đất của nhà ông khác (cái này thì cả khu chung cư cũ 25 tầng to tổ bố nhà mình ở còn bị dân nó ra rào lại, dựng “trạm thu phí” không cho đi vì trước đây cái đường vào là CĐT mới thuê chứ chưa mua, giờ hết hạn thuê rồi ông nào muốn đi phải nộp tiền kiểu BOT).
- Giờ sổ đỏ chúng nó còn làm giả được nên tìm hiểu lai lịch đất, “tiền án tiền sự“ của chủ nhà cũng là việc nên làm. Nên check thông tin về lí lịch mảnh đất qua đội phòng tài nguyên môi trường các quận, huyện. Chuyện các ngày xưa cụ chia cho con cháu thì đất sổ ghi ở đây nhưng thực ra nó lại ở lô... bên cạnh không phải là hiếm.
- Nếu phải vay thì vay ngân hàng vẫn là nhanh, chủ động nhất.
- Khi thị trường nóng lên thì giá là giá ảo.
- Thường thì mua đất vẫn dễ và nhanh hơn bán, mặc dù vất vả hơn vì mua mình phải tự đi xem còn bán thì đã có cò bán hộ.
- Đất trong làng không phải là đất dễ thanh khoản.
- Cứ mua vài mảnh đất thì chắc chắn sẽ cải thiện được tư duy, kỹ năng đàm phán, xử lý các tình huống bất ngờ và mức độ cảnh giác với nhân loại chứ mua lần đầu thì bố nào cũng là gà hết. Mà cái cần cảnh giác nhất là cảnh giác cái "QUY HOẠCH" cái này thay đổi xoành xoạch. Quy hoạch treo là chính, thường là hết nhiệm kỳ các cụ lại xóa đi làm lại.
- Nếu bạn có nhiều đất các cụ để lại thì là điều quá may mắn nhưng không may lại là có thể bạn sẽ không bao giờ thực sự hiểu được giá trị của đất.
Cre: Giang Tran Duc