Thế nhưng, trong trường hợp doanh nghiệp, hợp tác xã, hoặc các cá nhân có sẵn quỹ đất muốn làm nhà ở xã hội sẽ được ưu tiên cấp chủ trương đầu tư.
“Bởi, doanh nghiệp, hợp tác xã, cá nhân đã có sẵn quỹ đất sạch, địa phương không cần phải bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng nên đương nhiên họ sẽ được ưu tiên, khuyến khích”, ông Đường nói.
Thế nhưng, ông Đường tiết lộ: Kể từ năm 2014 tới nay, sau khi Luật Đất đai (2013) ra đời, chưa có địa phương nào bỏ tiền để giải phóng mặt bằng, làm hạ tầng và tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư.
Cũng từ 2014 tới nay, có một vài doanh nghiệp sẵn quỹ đất, có mong muốn làm nhà ở xã hội nhưng chỉ ở khu vực ngoại thành, ngoại ô, trong khi đó nội thành chưa có dự án nào.
“Doanh nghiệp chúng tôi có 2 khu đất ở Hoàng Mai đã xin làm nhà ở xã hội và được UBND Hà Nội đồng ý. Theo Nghị định 30 của Chính phủ, sau 20 ngày nhận hồ sơ phải cấp chủ trương đầu tư và chỉ định nhà đầu tư, thế nhưng đến nay đã 3 năm, tức là hơn 1.000 ngày chúng tôi vẫn chưa được cấp”, ông Đường nói.
Ông Đường nhấn mạnh: Lý do thành phố đưa ra đó là đây là khu đất vàng, nên đề nghị doanh nghiệp làm nhà ở thương mại để tăng thu ngân sách. Ngược lại, nếu làm nhà ở xã hội ở khu đất này sẽ gây ra lãng phí đất vàng của thành phố.
“Chính vì chủ trương tăng thu ngân sách, nên dù quy định đã rất rõ ràng, các cơ chế ưu đãi, khuyến khích cũng nhiều, thế nhưng thành phố không ủng hộ việc phát triển nhà ở xã hội ở khu đất này”, ông Đường nói.
Theo Chủ tịch Công ty TNHH Hòa Bình, chính vì sự chậm trễ này đã gây ra thiệt hại lớn cho doanh nghiệp, mỗi năm lên tới hàng trăm tỷ đồng, bao gồm tiền thuế đất, tiền lương của người lao động, tiền bảo trì máy móc thiết bị,...
“Hai lô đất của chúng tôi ở Hoàng Mai đã có sổ đỏ sử dụng lâu dài, đóng thuế đất đầy đủ. Mỗi năm chúng tôi phải đóng 650 triệu đồng tiền thuế đất, 3 năm chậm triển khai, chúng tôi đã đóng gần 2 tỷ đồng. Dù vậy, trong trường hợp chậm đóng tiền quá 120 ngày, Hà Nội sẽ ra lệnh cưỡng chế hóa đơn, cưỡng chế tài khoản, cấm chủ đầu tư để đi nước ngoài. Như vậy, tiền thì đóng đầy đủ, pháp lý cũng đủ, nhưng xin lại không cấp”, ông Đường bức xúc cho biết.
Chính vì lý do này, Công ty TNHH Hòa Bình đã nhiều lần làm đơn gửi Chính phủ, UBND Hà Nội xem xét cấp chủ trương đầu tư dự án nhà ở xã hội 393 Lĩnh Nam, Hoàng Mai, Hà Nội.
Cre: CL