Anh Trần Kiên (32 tuổi) đang làm công việc kinh doanh tại một thành phố biển ở Úc, cách Sydney 1 tiếng lái xe. Dự định mấy năm tới về Việt Nam sinh sống nên anh có nhu cầu mua biệt thự liền kề ở Hà Nội.
Tháng 7/2023, anh bắt đầu tự tìm hiểu qua mạng và nhờ người thân, bạn bè ở Việt Nam tìm giúp một căn phù hợp, tài chính dưới 25 tỷ đồng. Thông qua môi giới, anh được giới thiệu một căn biệt thự liền kề ở Mỹ Đình, diện tích 115m2 ở cuối dãy, giá 25,5 tỷ đồng chưa thương lượng. Sau đó, do phát sinh một số công việc cần giải quyết nên anh gác lại dự định mua nhà.
Đến tháng 7/2024, khi đã xác định về nước vào năm sau, anh quay lại tìm hiểu thị trường thì bất ngờ bởi giá nhà đã tăng cao chót vót. Căn biệt thự ở Mỹ Đình với diện tích tương tự giờ được môi giới thông báo “giá tốt” là 36 tỷ đồng, tức tăng tới hơn 40% chỉ trong vòng 1 năm.
Anh nói với môi giới 36 tỷ không phải giá tốt, có những căn ở khu vực này chào ế từ năm ngoái, “22 tỷ là hết giá” thì môi giới trả lời lại “giờ này 22 tỷ mua nổi cái gì anh ơi”.
“22 tỷ tôi nghĩ không phải số tiền nhỏ với người Việt. Kể cả ở Úc, 22 tỷ đồng tính theo tỷ giá bây giờ tương đương 1,3 triệu đô Úc, đó cũng là số tiền lớn. Vậy mà môi giới nói như thể tiền số tiền này sẽ chẳng thể mua được nhà Hà Nội”, anh chia sẻ.
Theo anh Kiên, nơi anh ở là một thành phố biển đông dân tại Úc. Với 1,3 triệu đô Úc, anh có thể mua được một căn nhà rộng 1.100m2, có 5-7 phòng, nhà đẹp không phải sửa sang gì nhiều, cho thuê 1 tháng được 5.400 đô Úc (khoảng 90 triệu đồng). Còn nếu mua ở Sydney, anh ước tính cũng phải mua được một căn 600m2, chỉ phải sửa rất ít, cho thuê được 4.400 đô Úc/tháng (khoảng 70 triệu đồng).
Trong khi đó, với căn biệt thự liền kề ở Mỹ Đình, nếu mua anh sẽ phải chi ra tối thiểu khoảng 3-4 tỷ đồng để sửa. Giá cho thuê cũng thấp, không tương xứng với số tiền bỏ ra.
“Thông thường nhà có giá trị càng cao thì thanh khoản càng kém, cho thuê cũng không được giá, không hiểu vì lý do gì mà tăng sốc như vậy chỉ trong một năm”, anh nói.
Anh nhận định giá nhà ở Hà Nội đang tăng quá nhanh so với giá trị thực. Ở Úc, giá nhà thường tăng trung bình 6% mỗi năm, cũng có những giai đoạn tăng sốc, chững lại hoặc giảm nhưng vẫn nằm trong quy luật cung - cầu rõ ràng.
Còn tại Việt Nam, anh nghe nhiều môi giới nói về quy luật “3 năm nhân 2” – giá trị bất động sản tăng gấp đôi sau 3 năm. Điều này khiến anh không khỏi thắc mắc: “Mặt hàng càng có giá trị lớn thì tốc độ tăng giá càng chậm. Nếu giá nhà tăng phi mã như vậy thì thực sự rất khó hiểu".
Anh Kiên cũng chia sẻ thêm về những khó khăn mình gặp phải khi mua nhà tại Việt Nam. Đó là thông tin rất loạn, không có cơ sở nào để kiểm chứng. Người mua như anh chỉ biết nghe qua môi giới, nhưng mỗi người nói một kiểu và anh không biết họ có nói thật không.
“Tôi đã gặp trường hợp cùng một căn nhà môi giới này thì bảo đã bán rồi, một môi giới khác nói vừa có khách cọc. Nhưng hôm sau lại có môi giới nữa liên hệ chào bán cho tôi, bảo rằng căn nhà này chủ vẫn đang rao bán”, anh kể.
Tại Úc, anh thấy việc mua bán nhà dễ dàng và minh bạch hơn. Nơi đây có 2 website mua bán nhà uy tín để người mua tìm hiểu thông tin. Muốn mua ngôi nhà nào thì chỉ cần click vào là biết được lịch sử giao dịch: nhà đã bán mấy lần, giá bán của mỗi giao dịch đó.
“Trên website còn hiển thị cả thông tin nhà đã rao bao lâu chưa bán được để người mua có căn cứ thương lượng, trả giá. Thường thì những căn đăng bán càng lâu, người mua càng có cơ sở để trả giá xuống”, anh nói.
Hiện tại, anh Kiên quyết định chưa mua nhà Hà Nội vì thấy “ngáo giá”.
Với những trải nghiệm khá khó khăn của mình khi tìm mua nhà, anh hy vọng Việt Nam sớm có những sàn giao dịch bất động sản chuyên nghiệp và minh bạch, giống như các website tại Úc để bớt rủi ro cho người mua. Nếu có những sàn giao dịch như vậy, người mua sẽ bớt phụ thuộc vào thông tin một chiều từ môi giới.
"Tôi vẫn mong một ngày có thể mua được nhà Hà Nội với mức giá hợp lý, minh bạch và không cần phải băn khoăn liệu mình có đang mua hớ hay không", anh chia sẻ.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Nguồn: Vietnamnet