Trungnam Group – hệ sinh thái đa ngành với khoản lợi nhuận khiêm tốn
Theo tìm hiểu, Trungnam Group được thành lập vào tháng 11/2004, trụ sở chính hiện đặt tại số 7A/68 Thành Thái, quận 10, TP. Hồ Chí Minh (Toà nhà Trung Nam). Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện theo pháp luật là ông Nguyễn Tâm Thịnh. Đến ngày 27/6/2019, Trungnam Group có vốn điều lệ 4.000 tỉ đồng, cơ cấu cổ đông và tỷ lệ sở hữu không được công bố.
Thời gian gần đây Trungnam Group đang nổi lên như một hiện tượng trong lĩnh vực năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, tập đoàn này thực tế là một công ty đa ngành đã nổi danh trong nhiều lĩnh vực khác. Ngoài năng lượng, Trung Nam còn là chủ đầu tư, nhà phát triển bất động sản và nhà thầu có tiếng tăm trong lĩnh vực xây dựng hạ tầng.
Trải qua hơn 16 năm hoạt động, tập đoàn này đã xây dựng “hệ sinh thái” lên đến hàng chục công ty thành viên, mở rộng quy mô hoạt động trải dài từ Bắc vào Nam. Trong đó, vai trò hạt nhân là CTCP Đầu tư Xây dựng Trung Nam (Trungam Group).
Về tình hình kinh doanh, theo dữ liệu từ Viettimes, Năm 2019, Trungnam Group ghi nhận doanh thu lên tới gần 6.500 tỉ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế chỉ ở mức khiêm tốn 124 tỉ. Nói cách khác, cứ 100 đồng doanh thu, Trungnam Group chỉ thu lời chưa đến 2 đồng. Nguyên nhân chính do biên lợi nhuận gộp của Trungnam Group không cao, chỉ từ 6% – 7%.
Biên lợi nhuận thấp cũng là lý do nhiều doanh nghiệp khác trong hệ sinh thái Trung Nam, dù doanh thu cao đột biến, nhưng khoản lãi chỉ mang tính tượng trưng. Một trong số đó là xây lắp.
Năm ngoái công ty thành viên là Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trung Nam E&C) đem về doanh thu 9.240 tỉ đồng, gấp gần 4 lần năm 2018. Tuy nhiên, cũng như Trungnam Group, biên lãi gộp mỏng manh chỉ 0,3% khiến lãi ròng của Trung Nam E&C chỉ ở mức tượng trưng 2 tỉ đồng.
Được biết, Trung Nam E&C là nhà thầu chính của nhiều dự án đầu tư quy mô lớn, trong số này không ít là của chính Trungnam Group. Đơn cử như tổ hợp dự án ngăn triều cường trên sông tại TP Hồ Chí Minh vốn đầu tư 10.000 tỉ hay các dự án năng lượng tái tạo như điện gió – điện mặt trời – thủy điện; hay cả các dự án bất động sản.
Với “hạt nhân” chủ chốt của Trungnam Group là Trung Nam Land, trong giai đoạn trước năm 2020, kết quả kinh doanh của công ty này ở mức khá khiêm tốn so với Trungnam Group và Trung Nam E&C khi doanh thu vài trăm tỉ đồng, lợi nhuận chỉ vài chục tỉ đồng.
Một đơn vị khác là Trung Nam Đà Lạt Land – chủ đầu tư dự án Golf Valley gần 20 ha kinh doanh bất động sản cao cấp. Kết quả kinh doanh của công ty này chủ yếu được ghi nhận trong giai đoạn 2017 – 2018 với tổng doanh thu gần 1.060 tỉ đồng, lãi ròng 151 tỉ đồng.
Được biết, ngoài các pháp nhân kể trên, “hệ sinh thái” Trungnam Group còn một số thành viên khác như: CTCP Thuỷ điện Trung Nam Bác Ái, CTCP Xây dựng và Lắp máy Trung Nam (Trungnam E&C), CTCP Xây dựng Trung Nam 18 E&C, CTCP Địa ốc Trung Nam Đà Lạt, Công ty TNHH Trung Nam BT 1547, Công ty TNHH BT Ngã ba Huế Trung Nam, CTCP Cơ giới Trung Nam Miền Nam.
“Long đong, lận đận” khi lấn sân sang bất động sản
Trong lĩnh vực bất động sản, CTCP Trung Nam (Trung Nam Land) là cái tên đáng chú ý. Trung Nam Group gắn với ba siêu dự án lớn đó là: dự án khu công viên văn hóa đô thị Đà Lạt có vốn đầu tư 150 triệu USD tại Đà Lạt, Dự án Golden Hills có tổng vốn đầu tư 1,67 tỉ USD và Dự án tháp đôi cao nhất Miền Trung 180 triệu USD tại Đà Nẵng.
Tuy nhiên, dường như Trung Nam không có duyên với lĩnh vực BĐS khi những dự án được giới thiệu hoành tráng một thời thường rơi vào cảnh “long đong lận đận”.
Dự án đình đám nhất phải kể đến là Golden Hills Đà Nẵng quy mô 381 ha, chia làm 5 phân khu, tổng mức đầu tư 1,67 tỉ USD, tương đương 38.000 tỉ đồng và được khởi công xây dựng từ năm 2011. Tuy nhiên, sau khi xây dựng xong phần thô và đi vào hoàn thiện thì những hạng mục còn lại của dự án lại đình trệ suốt nhiều năm. Điều này khiến cho dự án Golden Hills City liên tục lỗi hẹn về tiến độ.
Vào giữa năm 2017, để hồi sinh dự án này, Trung Nam Land đã ký hợp đồng hợp tác đầu tư xây dựng và kinh doanh với Công ty TNHH Thịnh Phát Hà Nội (Thịnh Phát Hà Nội).
Được biết, đến tháng 7/2019, UBND quận Liên Chiểu đã ra quyết định xử phạt 40 triệu đồng đối với Trung Nam Land vì hành vi xây dựng dự án Golden Hills City (Khu D2) khi chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp phép. Cuối năm 2019, Bộ Xây dựng đã đề nghị UBND TP. Đà Nẵng rà soát, kiểm tra cụ thể 800 lô đất tại khu vực có diện tích 12,77ha ở khu B và C thuộc dự án Golden Hills City của Trungnam Group.
Sau đó, tháng 2/2019, dự án Golden Hills City có thêm Kita Land (thuộc Kita Group) tham gia đồng đầu tư và Công ty Cổ phần Bất động sản Thế kỷ (CenLand) độc quyền phân phối.
Từ tháng 3/2019, Kita Land đã tiến hành ký hợp đồng với các nhà đầu tư cá nhân những lô bất động sản sẽ hình thành trong tương lai thuộc dự án Golden Hills dưới hình thức ký cùng lúc 02 hợp đồng với khách hàng gồm: Hợp đồng vay vốn của các chủ đầu tư cá nhân và hợp đồng cam kết giữ chỗ nhận quyền sử dụng đất.
Tuy nhiên, sau đó, Kita Land lại bị tố vi phạm hợp đồng, vòng vo không giải quyết yêu cầu thanh lý hợp đồng, hoàn trả tiền cho khách hàng.
Chật vật suốt khoảng thời gian để có vốn, đầu tháng 11/2020, theo công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) Trung Nam Land đã phát hành 2.500 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp với kỳ hạn 5 năm để đầu tư mảng bất động sản.
Trước đó, Trung Nam Land cũng huy động gần 3.000 tỷ đồng trái phiếu qua đợt phát hành từ cuối năm 2019 đến tháng 6/2020.
Không chỉ gọi vốn cho mảng bất động sản, mảng năng lượng của Trung Nam Group cũng rất tích cực gọi vốn cho dự án điện mặt trời. Cụ thể, Công ty TNHH Điện mặt trời Trung Nam Thuận Nam đã bán thành công 5.800 tỷ đồng trái phiếu kể từ đầu năm 2020 đến nay. Đồng thời, vào quý 4/2019, Công ty Cổ phần Điện mặt trời Trung Nam cũng đã vay 4.588 tỷ đồng trái phiếu.
Như vậy, theo số liệu công bố trên Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội, nhóm Trung Nam Group đã huy động gần 15.000 tỷ đồng trong vòng hơn một năm qua cho các dự án bất động sản và nhà máy điện mặt trời.
Theo Kinh doanh và Phát triển
https://kinhdoanhvaphattrien.vn/phan-long-dong-cua-trungnam-group-khi-lan-san-sang-bat-dong-san.html