Dù là người theo đuổi chủ nghĩa thực dụng hay thẩm mỹ thì khi trang trí nhà cửa, chúng ta đều dành rất nhiều công sức và tâm huyết để tạo ra không gian sống hài lòng. Tuy nhiên, thực tế thường không giống như tưởng tượng, ngay cả khi đã chi hàng chục triệu cho việc trang trí, bố trí nội thất thì nếu mắc phải 6 thói quen sống xấu dưới đây, đồ tốt cũng trở nên vô nghĩa vì nhà cửa trông thật bừa bộn, khó nhìn.
Ai cũng biết rằng cửa ra vào cần có một chiếc tủ giày để tiện sắp xếp giày dép gọn gàng trước khi vào nhà cũng như sau khi ra ngoài.
Tuy nhiên, dù đã bố trí tủ để giày nhưng nhiều người vẫn lười, tiện chân "quăng" đại trước cửa chứ không đặt gọn gàng lên chỗ để. Kết quả là giày dép ở lung tung khắp nơi, rất bừa bộn, kệ để giày chỉ trưng "làm cảnh" cũng rất lãng phí.
Nếu không muốn nhà mình trông quá luộm thuộm, trước tiên hãy sửa đổi thói quen này. Bởi vì đây là nơi đầu tiên bước vào nhà, không chỉ phản ánh ấn tượng đầu tiên của ngôi nhà mà còn mở ra khởi đầu cho lối sống chất lượng của gia chủ.
Ngoài ra, nếu thấy tủ giày quá phiền phức khi phải mở, đóng cửa tủ thì bạn có thể thay thế bằng kệ, vẫn đảm bảo gọn gàng cho khu vực cửa ra vào.
2. Sofa chất đầy quần áo
Nhiều người có thói quen về đến nhà là tiện tay quăng quần áo lên thẳng sofa. Không chỉ phòng khách mà sofa hay ghế trong phòng ngủ, thậm chí nhà bếp cũng có thể trở thành "bãi chiến trường".
Thử nghĩ xem nếu có thói quen bừa bộn như vậy thì chiếc sofa đắt tiền mà bạn từng bỏ ra hàng triệu, thậm chí là chục triệu đồng để mua có còn sang trọng, tinh tế như ban đầu?
Vì vậy, hãy từ bỏ ngay thói quen này. Cách hiệu quả nhất là bố trí một cây btreo đồ ngay lối vào hoặc góc phòng khách, sắm thêm giỏ đựng đồ bẩn để giữ không gian luôn gọn gàng.
3. Thảm trải sàn bẩn đến mức không dám nhìn
Đặt 1 tấm thảm lớn trong phòng khách không chỉ tạo cảm giác ấm áp và thoải mái mà còn giúp nâng tầm không gian sống.
Tuy nhiên, thực tế thì thảm lại cực kỳ dễ bám bẩn, nhất là khi nhà bạn có trẻ con hoặc thú cưng. Lúc này, thảm trải sàn không khác gì ổ chứa bụi bẩn, vi khuẩn, khiến nhà cửa trông kém sang hơn hẳn.
Chưa kể, việc vệ sinh thảm cũng khá rắc rối. Với kích thước lớn, hầu như nhà nào cũng không có đủ không gian để giặt và phơi thảm đúng cách.
Do đó, nếu bạn thực sự muốn dùng thảm để khiến ngôi nhà trông đẹp hơn, hã ý thức được việc phải vệ sinh thảm định kỳ. Đồng thời chú ý tránh để nước hay đồ ăn rơi vãi lên thảm.
Còn nếu bạn không thể làm sạch thảm thường xuyên thì tốt nhất là bỏ đi. Như vậy vừa giảm bớt gánh nặng dọn dẹp, vừa giúp ngôi nhà trở nên thoáng đãng và sạch sẽ hơn.
4. Treo quần áo đầy ban công
Dù ngôi nhà được thiết kế sang trọng đến đâu thì một ban công liền với phòng khách mà treo đầy quần áo cũng sẽ khiến cả không gian trông kém tinh tế hơn hẳn. Dù cho bạn nghĩ là chỉ cần phơi xong rồi thu vào là được, nhưng vào những ngày mưa ẩm hoặc đơn giản là bạn lười thì quần áo cũng sẽ "lủng lẳng" ở trước nhà mấy ngày liền.
Để giải quyết vấn đề phơi đồ ở ban công mà vẫn giữ được vẻ đẹp của không gian, bạn nên cân nhắc ngay từ lúc thiết kế nhà. Dưới đây là vài giải pháp:
- Sắm máy sấy quần áo: Với máy sấy, quần áo được xử lý nhanh gọn, không cần phải phơi ngoài ban công nữa.
- Chia ban công thành hai khu vực: Nếu ban công dài, hãy tách riêng một góc làm khu vực phơi đồ, đảm bảo không nằm trong tầm nhìn của phòng khách.
- Sử dụng giá phơi ẩn: Lắp giá phơi ở hai bên tường hoặc cửa ban công, kết hợp với rèm che. Cách này vừa tiện lợi, vừa giữ thẩm mỹ cho không gian.
Chỉ cần điều chỉnh một chút, ban công nhà bạn sẽ vừa tiện dụng, vừa đẹp mắt hơn rất nhiều.
5. Bàn ăn/ bàn trà bừa bộn
Khi làm nội thất, chúng ta thường mất rất nhiều thời gian để chọn từng chiếc ghế, cái ly hay đĩa ăn... để tạo nên không gian sống đúng gu của mình nhất. Nhưng rồi những chiếc bàn ăn hay bàn trà từng yêu thích lại nhanh chóng trở thành nơi để hàng tỷ thứ linh tinh, khiến nhà cửa ngày càng bừa bộn.
Có phải do nhà bạn thiếu không gian lưu trữ? Không hề. Nguyên nhân chính là thói quen thiếu ngăn nắp, không đặt đồ về chỗ cũ sau khi sử dụng.
Hãy tập thói quen cất đồ đúng nơi quy định. Ban đầu có thể hơi khó, bạn bị mất kiên nhẫn nhưng nếu kiên trì, bạn sẽ thấy không gian sống trở nên ngăn nắp, rộng rãi hơn rất nhiều.
Ngoài ra, với tủ đựng đồ cạnh bàn ăn, hãy áp dụng nguyên tắc “giấu 8, lộ 2”. Tức là, 80% đồ đạc nên được cất gọn, chỉ để lại 20% làm điểm nhấn để nhà cửa trông sang hơn.
6. Căn bếp bừa bộn
Có 1 kiểu người bình thường chẳng mấy khi vào bếp nhưng mỗi lần nấu ăn là y như rằng biến căn bếp thành "chiến trường". Mặt bàn bếp đầy đồ lộn xộn, bồn rửa chén chất đầy bát đĩa chưa rửa, thậm chí có khi đồ ăn hay chén bát còn bị mốc.
Nếu bạn thuộc tuýp người này thì căn bếp của bạn sạch sẽ mới là chuyện bất ngờ. Vì thế, hãy tập cả thói quen lau dọn ngay sau khi nấu ăn. Đó vốn chỉ là những việc nhỏ, giải quyết ngay thì không mất bao nhiêu thời gian thì tại sao lại phải để mọi thứ chồng chất, xếp thành đống bẩn thỉu, bốc mùi mới chịu dọn dẹp?
Còn bạn thực sự lười dọn dẹp thì lắp ngay một chiếc máy rửa bát. Không chỉ giúp bạn đỡ phải rửa chén mà còn tránh được những tranh cãi trong gia đình xoay quanh việc ai sẽ là người rửa bát. Đúng là 1 giải pháp vừa tiện lợi vừa giữ cho bếp luôn sạch sẽ.
Nguồn: Toutian/Phụ nữ thủ đô
">
Nguồn: Toutian/Phụ nữ thủ đô