Thường trực nỗi lo mua nhà riêng
Chị Nguyễn Phương Anh (24 tuổi, Đan Phượng) không dám nghĩ đến chuyện lập gia đình vì vẫn còn nhiều dự định và áp lực chưa có nhà riêng.
“Hiện tại, tôi chưa muốn kết hôn vì còn quá nhiều nỗi lo, đặc biệt là chưa mua được nhà riêng. Giá nhà ngày càng tăng cao, việc mua được một căn nhà riêng thực sự không hề dễ dàng. Với mức lương 15 triệu/tháng, sau khi trừ chi phí ăn uống và sinh hoạt cá nhân, tôi chỉ tiết kiệm được một khoản nhỏ. Nghĩ đến việc phải dành dụm hàng chục năm mà chưa chắc đủ tiền mua nhà, tôi lại thấy ngại bắt đầu cuộc sống hôn nhân” - chị Phương Anh chia sẻ.
Anh Nguyễn Việt Hưng (27 tuổi, Cầu Giấy, Hà Nội) cũng tạm gác lại kế hoạch lập gia đình vì áp lực về chỗ ở.
“Nếu lấy vợ sinh con, tôi sẽ không thể ở nhà trọ vì không tiện, chưa kể chi phí sinh hoạt, học hành cho con cái và cả tiền thuê nhà có thể sẽ vượt quá khả năng tài chính. Trong khi đó, giá nhà ở Hà Nội hiện nay quá cao, ngay cả một căn hộ nhỏ ở ngoại thành cũng cần vài tỉ đồng. Tôi từng nghĩ đến việc vay ngân hàng, nhưng số tiền trả góp hàng tháng lại quá lớn so với thu nhập” - Anh Hưng bộc bạch.
Một trong những nguyên nhân khiến kết hôn muộn?
Giá nhà ở, đặc biệt là chung cư, đang ngày càng tăng cao khiến nhiều người trẻ cảm thấy bấp bênh. Báo cáo về nhà ở và thị trường bất động sản quý III năm 2024 của Bộ Xây dựng cho thấy phân khúc căn hộ chung cư trung cấp dao động từ 25 đến 50 triệu đồng/m². Vì vậy, để sở hữu một căn hộ diện tích 70m², người trẻ phải bỏ ra từ khoảng 1,8 tỉ đến 3,5 tỉ đồng, một số tiền không nhỏ so với thu nhập trung bình hiện nay.
Giá nhà leo thang là một trong những nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ phải “cày ngày cày đêm” để ổn định tài chính, đồng thời phải trì hoãn việc kết hôn và xây dựng gia đình. Theo số liệu công bố của Tổng cục Thống kê, trong khoảng hơn 30 năm qua, xu hướng hôn nhân và mức sinh ở Việt Nam thay đổi rất lớn. Tuổi kết hôn tăng mạnh, tỉ lệ kết hôn giảm làm mức sinh giảm tới một nửa trong hơn 30 năm qua.
Giai đoạn 1989-2023, trung bình độ tuổi kết hôn lần đầu của nam từ 24,4 và nữ là 23,2 đã tăng lên 29,3 tuổi với nam và 25,1 đối với nữ vào năm 2023. Tỉ lệ người độc thân cũng đang có xu hướng tăng nhanh, từ 6,23% năm 2004 lên 10,1% năm 2019.
Bên cạnh đó, mức sinh cũng giảm rõ rệt, từ 3,8 con vào năm 1989 xuống dưới 2 con vào năm 2023. Trong giai đoạn 2013-2023, trung bình mỗi năm dân số Việt Nam chỉ tăng khoảng 1 triệu người.
Nguồn: Lao động