Những tranh cãi liên quan đến chuyện nuôi chó mèo ở chung cư vốn không phải chủ đề mới mà đã khiến dân mạng tranh luận ròng rã suốt một khoảng thời gian dài. Nhưng mới đây, nhân vụ Sam lên tiếng "tố" BQL chung cư cao cấp nơi mình sinh sống gọi "chó là gia súc", làm khó dễ việc nuôi 2 em cún của cô nàng, vấn đề này một lần nữa được khơi lại.
Bỏ qua các tranh chấp liên quan đến cách làm việc cũng như có hay không chuyện "vu khống, đe dọa" cư dân của BQL mà chỉ xoay quanh chuyện nuôi chó mèo, có thể thấy cư dân mạng chia làm 2 luồng ý kiến khá rõ ràng. Một bên đứng về phía Sam, lên án hành động BQL bắt chẹt không cho nuôi thú cưng dù trước đó 2 bên đã đi đến thỏa thuận thành công; một bên khác cho rằng quy định đã không cho nuôi thì tốt nhất không nên "lách luật" bằng bất kì cách nào để rồi sau đó lại phải kêu gào đòi công bằng khi mâu thuẫn xảy ra.
Ở một diễn biến khác, không thể phủ nhận được rằng team yêu chó mèo càng ngày càng đông đảo. Thế nhưng, yêu chó mèo là một chuyện còn có chăm sóc được chúng hay không, có đảm bảo được việc nuôi chúng ở chung cư mà không ảnh hưởng đến người khác hay không lại là chuyện khác. Bởi suy cho cùng, ở tất cả các vụ việc chó mèo gây tranh cãi, trách nhiệm lớn nhất vẫn thuộc về người chủ nuôi chúng. Ý thức nuôi thú cưng của người chủ sẽ quyết định mức độ "hòa bình" giữa các hộ gia đình hàng xóm lân cận.
Hàng xóm ở chung cư nuôi chó mèo có ý thức, ok, mọi thứ vẫn yên bình. Còn ngược lại thì ôi thôi, ác mộng! Để có cái nhìn công bằng nhất, hãy cùng lắng nghe tâm sự từ chính những cư dân "đen đủi" phải chung sống với hàng xóm thích nuôi thú cưng nhưng ý thức thì không có nổi "một miếng" để xem trải nghiệm đó chán chường tới cỡ nào nhé.
Chó mèo kêu inh ỏi xuyên ngày đêm, lâu lâu đi làm về lại thấy trước cửa nhà xuất hiện một-bãi-khả-nghi
Một trong những nỗi khổ phổ biến nhất những người sống ở chung cư mà hàng xóm nuôi chó mèo thường gặp, đó chính là phải chịu đựng tiếng chó sủa, mèo kêu vào rất nhiều khoảng thời gian trong ngày nếu không muốn nói là cả ngày. Bên cạnh đó, thứ mùi đặc trưng từ thú cưng cũng như chuyện đi vệ sinh của chúng cũng không ít lần gây rắc rối.
"Mình ở chung cư, không quá cao cấp nhưng mọi thứ đều khá ok. Ác mộng chỉ xuất hiện khi hàng xóm mới chuyển tới cạnh nhà mình là 2 bạn nữ khá trẻ với 4 con chó mấy bạn ấy nuôi. Chẳng biết các bạn ấy làm gì, chỉ biết đi suốt và đương nhiên, nhà thì chỉ có 4 con chó không ai quản. Bọn nó sủa inh ỏi cả ngày lẫn đêm. Thời gian đấy mình đang stress vì công việc nữa, cảm giác muốn phát điên luôn.
Đỉnh điểm nhất là có lần mình lết cái thân xác mệt mỏi sau một ngày đi làm về và phát hiện trước cửa nhà mình là một đống gì đó nhìn rất 'đáng nghi'. Mình sang gõ cửa nhà bên và 2 bạn ấy rối rít xin lỗi xong sang dọn ngay nhưng thú thực, mình chán chẳng buồn nói gì nữa", N.M (28 tuổi) đang sống tại một chung cư ở Hà Đông (Hà Nội) cảm thán.
N.M chưa từng nuôi con chó con mèo nào vì không thích thú cưng nhưng cô nàng cũng không ghét chúng đến mức nhìn thấy là phải tránh xa. Tuy nhiên, những trải nghiệm khó chịu này làm N.M có lần đã phải buộc suy nghĩ khá ác độc là ước gì chó mèo không tồn tại trên đời.
Cùng "cảnh ngộ" với N.M là H.T (25 tuổi). Cô nàng hồi tưởng: "Vào một ngày đi làm về muộn và rất mệt rồi gặp một bãi nước tiểu chó bốc mùi 'nồng nàn' ngay trước cửa nhà thì cảm giác của mọi người thế nào? Thực sự muốn đánh người đúng không? Chính là cảm giác của mình khoảng 2 năm trước, khi hàng xóm cũ chưa chuyển đi. Tại sao mình có thể khẳng định 'thủ phạm' chắc chắn như vậy thì nguyên tầng chỉ có nhà này nuôi chó. Trẻ con có vài bé thì đều đang ẵm ngửa cả. Khu nhà mình không cho phép nuôi chó mèo nhưng nhiều nhà vẫn nuôi sạch sẽ nên BQL cũng không quá gắt gao, trừ hàng xóm nhà mình".
Thế Bang (27 tuổi) lại không trực tiếp sinh sống cạnh nhà ai có nuôi chó mèo nên các vấn đề như tiếng ồn hay mùi anh chàng không phải đối diện. Thế nhưng, anh chàng vẫn có lúc khó chịu khi đi thang máy mà gặp người dắt chó không rọ mõm. Hay thỉnh thoảng, lúc đang chạy bộ ở khuôn viên khu đô thị, lỡ gặp chó hay nghe tiếng sủa, Thế Bang thường bị giật mình và dừng lại khiến mục tiêu chạy hay phân bổ sức bị gián đoạn. Việc này dẫu khá nhỏ song vẫn làm anh chàng càu nhàu đôi chút.
Đọc đến đây, hẳn nhiều người sẽ bĩu môi: "Ôi chưa nuôi chó mèo chưa biết"/ "Mấy bạn không thích thú cưng nên mới khó tính thế"..., nhưng trên thực tế, ngay cả những người đang nuôi chó mèo cũng khó lòng chấp nhận những nỗi khổ như vậy.
Nguyễn Mai Linh (24 tuổi) là chủ của 2 em Poodle đã 4 năm nay. Mai Linh từng ở chung cư một thời gian ngắn trong lúc chờ xây nhà, và khoảng thời gian ngắn đó đã đủ để cô nàng ngao ngán lên xuống khiến chứng kiến cảnh hàng xóm tầng trên nhà mình ngày nào cũng để chó đi vệ sinh ngoài hành lang. Theo Mai Linh, dù cũng là người yêu chó mèo nhưng cô nàng thực sự không thể chấp nhận được việc làm của người hàng xóm. Vì sự vô ý thức của người chủ mà cả căn chung cư vừa mất vệ sinh, vừa mất mỹ quan.
Ở chung cư và là chủ của 2 em Poodle xinh xắn nhưng Mai Linh cũng không chấp nhận được những vị hàng xóm nuôi chó mèo mà vô ý thức
Chung team với Mai Linh là T.A (Hà Nội) - đã nuôi chó mèo từ năm 12 tuổi, tính đến nay là gần 18 năm, hiện đang sở hữu 3 chú chó 5 con mèo cộng thêm 4 chó con mới đẻ. T.A tự thấy mình là một người nuôi không vô ý thức nhưng ngậm ngùi thừa nhận vẫn có nhiều lúc vô tình gây ảnh hưởng đến hàng xóm bởi tiếng ồn từ đám chó mèo anh chàng đang nuôi.
"Chỗ nhà mình không phải riêng mình nuôi chó, khi có người lạ vào thì chúng nó đồng thanh sủa. Còn về vệ sinh thì khi trời mưa nồm như thế này, ít nhiều cũng có mùi, ảnh hưởng đến hàng xóm, mặc dù mình đã giữ sạch sẽ, tắm rửa vệ sinh cẩn thận nhất có thể.
Nói chung, mình cũng có ý thức giữ gìn nhưng dù sao đấy cũng là con vật, lúc mình không ở nhà thì không kiểm soát được nên hàng xóm nhiều khi cũng chửi đổng hoặc nhắc nhở. Thêm 1 phần là do điều kiện thời tiết và mật độ dân số cao nên dễ ảnh hưởng tới người xung quanh", T.A chia sẻ.
Dù chó mèo hay bất cứ thú cưng nào khác, dù nuôi ở bất cứ đâu, không nuôi được tử tế thì làm ơn bớt giùm!
Trước câu hỏi làm thế nào để có thể chung sống "hòa bình" với những người nuôi thú cưng thiếu ý thức như vậy, mỗi người lại có một cách giải quyết riêng. Chẳng hạn như cô nàng N.M "không thích chó mèo" ở phần trên, ngoài lần nhờ 2 bạn nữ hàng xóm sang dọn bãi chiến trường chó nhà 2 bạn "thải" ra, N.M chấp nhận im lặng cho qua. Nhưng điều đó không ngăn được sự bức xúc của cô nàng.
"Mình cảm thấy khó hiểu ấy, các bạn hay kêu yêu chó mèo như con thế sao lại không chịu dạy con mình nhỉ? Để nó sủa loạn xạ làm ảnh hưởng đến người khác, rồi để nó hôi rình. Vậy mà là yêu, là coi như con à?", N.M tự hỏi.
Về phần mình, H.T cùng một vài hộ dân xung quanh đã phải cùng nhau làm đơn gửi lên BQL để chấm dứt triệt để tình trạng nuôi thú cưng thiếu ý thức của hàng xóm. Tuy nhiên, sự việc cũng phải mất mấy tháng trời mới xử lý xong xuôi khiến H.T mệt mỏi cả về tinh thần lẫn thể chất.
Cô nàng cho hay: "Ở chung cư có đặc thù đông người, không gian hạn chế nên đa số đều cấm nuôi chó mèo. Mình cũng biết nuôi chó mèo là quyền của mọi người nhưng hãy có ý thức để đừng làm ảnh hưởng đến người khác. Dù chó mèo hay bất cứ thú cưng nào khác, dù nuôi ở bất cứ đâu, không nuôi được tử tế thì làm ơn bớt giùm!".
Giống như N.M và H.T, bản thân T.A khi chứng kiến cảnh những người nuôi thả rông cho chó mèo tự đi vệ sinh hay để nó sang nhà người khác hoặc khu vực chung để phóng uế sẽ thẳng thắn góp ý với người đó. Nhưng cũng theo T.A, thường thì tình hình không có nhiều thay đổi.
"Cũng là người nuôi chó mèo nhưng mình rất không đồng tình và nếu có bị ảnh hưởng thì vẫn bức xúc như thường. Bởi kể cả nuôi hay không, việc có ý thức rất quan trọng. Ví dụ mình luôn để sẵn giấy và túi nilon khi dắt chó ra đường để lỡ nó có đi vệ sinh thì dọn hoặc đem theo rọ mõm và xích. Cái này có luật cả rồi thì mình cứ làm theo thôi. Thông cảm trong trường hợp bất khả kháng, chứ không thể thông cảm nếu người ta biết mà cố tình không làm", TA nói.
Là người có kinh nghiệm nuôi thú cưng, Mai Linh hiểu để huấn luyện 1 chú chó đi vệ sinh đúng chỗ tốn rất nhiều thời gian và công sức, tuy nhiên mọi thứ đều có cách giải quyết. Vậy nên nếu xảy ra chuyện thì vấn đề chắc chắn là ở người chủ.
"Đầu tiên là có ý kiến nhắc nhở, nếu tái phạm nhiều lần thì báo cáo BQL và có hình thức cưỡng chế rời khỏi", Mai Linh gay gắt.
Có thể thấy, điều khiến mọi người thực sự "dị ứng" và "lên án" là ý thức nuôi dạy thú cưng của một số người. Lời khuyên ở đây là hãy trở thành những người nuôi chó mèo văn minh. Bạn yêu chó mèo của bạn, vậy thì đừng để chúng trở thành mục tiêu bị công kích, bị "ghét lây" vì chính sự thiếu ý thức của bạn. Chó mèo không có lỗi, lỗi lớn nhất ở người nuôi chúng mà thôi!
Ảnh: Tổng hợp/Pháp luật & Bạn đọc