Sếp cũ, sếp mới vay vốn sát thời điểm
Sân chơi bất động sản hiện tại không chỉ dành riêng cho giới đại gia, mà ngược lại, thị trường ngày càng chứng kiến sự trỗi dậy của những “tay chơi tỉnh lẻ”.
Công ty cổ phần Đầu tư đô thị Phúc Thành (nay đổi tên thành Công ty cổ phần Tập đoàn Đô thị Phúc Thành) là một trong những cái tên có sức ảnh hưởng lớn tại thị trường Hưng Yên nói chung, thị xã Mỹ Hào nói riêng.
Phần lớn các dự án của Phúc Thành đều hoạt động tại Mỹ Hào. Một số dự án có thể kể đến như Khu đô thị Lạc Hồng Phúc; Khu nhà ở Liền kề để bán Phúc Thành; Khu nhà ở Liền kề để bán Mỹ Văn,…
Phúc Thành gắn liền với tên tuổi của nữ doanh nhân sinh năm 1981 Phạm Thị Nhật. Trong những ngày đầu, bà Nhật là Tổng giám đốc kiêm người đại diện pháp luật của Phúc Thành. Tuy nhiên, tới ngày 25/10/2022, “ghế nóng” đã được chuyển cho ông Nguyễn Ngọc Thành.
Ngoài ra, ông Nguyễn Ngọc Thành còn là đại diện pháp luật Công ty TNHH Đầu tư Lạc Hồng Hưng Yên, Công TNHH Đầu tư và Phát triển Đô thị Phúc Thành.
Cả sếp cũ và sếp của Công ty Phúc Thành đều cầm cố tài sản tại ngân hàng. Đây là chuyện bình thường nhưng đáng chú ý ở chỗ hai doanh nhân vay vốn ở thời điểm khá gần nhau.
Ngày 28/10/2021, ông Nguyễn Ngọc Thành ký hợp đồng tín dụng với Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Chi nhánh Bắc Hưng Yên. Giá trị khoản vay là 1,3 tỷ đồng. Tài sản đảm bảo là ô tô con hiệu Huyndai Santafe sản xuất năm 2021.
Trước đó không lâu, vào ngày 3/8/2021, bà Phạm Thị Nhật ký hợp đồng với Ngân hàng TMCP Xăng dầu Petrolimex – Chi nhánh Hà Nội. Tài sản đảm bảo là “Quyền sở hữu, sử dụng toàn bộ 106.706.000 cổ phần của Bà Phạm Thị Nhật và ông Nguyễn Hải Hòa tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đô thị Phúc Thành, cụ thể là: 80.003.000 Cổ phần của Bà Phạm Thị Nhật và 26.703.000 cổ phần của ông Nguyễn Hải Hòa và toàn bộ các quyền được hưởng từ 106.706.000 cổ phần này tại Công ty Cổ phần Tập đoàn Đô thị Phúc Thành”.
Làm ăn bết bát
Hiện tại, công ty con của Phúc Thành là Lạc Hồng Phúc đang trong “cuộc đua nhất mã” để giành quyền triển khai dự án Green City cũng ở Mỹ Hào, Hưng Yên. Lạc Hồng Phúc mà thắng thì coi như Phúc Thành thắng vì Phúc Thành gần như sở hữu toàn bộ Lạc Hồng Phúc.
Nhưng chẳng biết khi giao dự án cho nhà đầu tư, không rõ các tỉnh có xem xét năng lực tài chính của nhà đầu tư và các bên liên quan không nhỉ. Nếu có thì dù là “cuộc đua nhất mã”, Lạc Hồng Phúc vẫn có không ít rào cản. Bản thân Lạc Hồng Phúc kinh doanh kém hiệu quả, “mẹ” Phúc Thành cũng chẳng hơn gì.
Thời gian gần đây, Phúc Thành liên tục được cổ đông rót thêm vốn. Ngày 27/5/2019, vốn điều lệ công ty đạt 700 tỷ đồng, sau đó điều chỉnh tăng lên 900 tỷ đồng tại ngày 31/12/2019. Từ 9/6/2021, vốn điều lệ vọt lên 1.200 tỷ đồng. Đáng chú ý, không lâu sau khi Phúc Thành tăng vốn lên mức cao kỷ lục, bà Phạm Thị Nhật ôm cổ phiếu công ty mang đi cầm cố.
Tiền nhưng nhưng không được sử dụng hiệu quả khi công ty liên tục rơi vào tình trạng doanh thu thấp, không cải thiện đáng kể sau 5 năm. Trong khi đó, công ty lỗ nhiều hơn lãi.
Vốn tăng mạnh nhưng doanh thu của công ty bấp bênh và không có nhiều cải thiện, lần lượt đạt 75,1 tỷ đồng (năm 2017), 33,7 tỷ đồng (năm 2018), 5,8 tỷ đồng (năm 2019), 73,4 tỷ đồng (năm 2020) và 82,3 tỷ đồng (năm 2021).
Trong giai đoạn 5 năm vừa qua thì Phúc Thành có tới 3 năm thua lỗ với các khoản lỗ 5,3 tỷ đồng (năm 2017), 6,4 tỷ đồng (năm 2018) và 9,8 tỷ đồng (năm 2019). Tới năm 2020 và 2021, công ty đã có lãi nhưng lợi nhuận rất khiêm tốn, chỉ đạt 358 triệu đồng và 6,6 tỷ đồng.