Tuy nhiên, cho rằng số tiền này vẫn quá ít, nếu đi mua nhà sẽ phải vay ngân hàng cả tỷ đồng, khiến vợ chồng anh Thanh trì hoãn. Sau 2 năm trì hoãn việc mua nhà, 3 từ "nhà Hà Nội" với vợ chồng anh Thanh lại càng trở nên xa vời, dù số tiền tiền tích cóp đến nay đã là 900 triệu đồng.
"Chỗ nào cũng thấy giá cao lên gấp đôi so với thời điểm cách đây 2 năm. Ngày trước, nếu quyết định mua nhà, tôi sẽ phải vay ngân hàng khoảng 1 tỷ đồng, nhưng bây giờ mua sẽ phải vay ngân hàng ít nhất hơn 2 tỷ đồng. Đấy là chưa tính đến việc ngân hàng có cho vay hay không...", anh Thanh chia sẻ.
Vợ chồng anh Thanh hiện có thu nhập khoảng 50 triệu đồng/ tháng. Nếu trừ tiền thuê nhà, chi phí sinh hoạt, ăn uống của 2 người lớn, 1 trẻ nhỏ, anh chị vẫn sẽ để dành được khoảng 30 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, việc gồng mình lên để kiếm tiền vì mục tiêu mua nhà Hà Nội khiến vợ chồng anh chị cảm thấy mệt mỏi, càng chán nản hơn khi giá nhà ngày càng tăng cao.
"Vợ chồng tôi đã tính đến việc bỏ Hà Nội để về quê kinh doanh buôn bán gì đó. Dự tính sẽ mở tiệm tạp hóa tự chọn như siêu thị nhỏ, nhưng cũng lo, sợ bị thua lỗ. Mà ở lại Hà Nội thì thấy cuộc sống mệt mỏi… Vợ chồng tôi đi làm cả tháng gần như không có ngày nghỉ. Thứ Bảy và Chủ nhật vẫn phải thường xuyên đi làm. Con nhỏ chúng tôi đành phó mặc cho bà ngoại", anh Thanh nói.
Không chỉ có gia đình anh Thanh, nhiều đôi vợ chồng trẻ cũng đã có ý định bỏ phố về quê lập nghiệp vì áp lực "nhà Hà Nội". Tuy nhiên, thay vì nghỉ việc ngay, có người vẫn quyết định thuê trọ ở Hà Nội, kiếm tiền và sử dụng tiền tiết kiệm để sửa nhà ở quê.
"Vợ chồng tôi đã chuẩn bị để vài năm nữa về quê ở hẳn. Tôi muốn khi về quê là chúng tôi sẽ có chỗ để ở, không phụ thuộc vào bố mẹ. Dù không còn muốn ở lại Hà Nội, nhưng chúng tôi cũng không thể về quê ngay. Chúng tôi cần có 1 ngôi nhà ở quê và 1 khoản tiền tiết kiệm, vì về quê chắc chắn thời gian đầu chúng tôi sẽ chưa thể tìm được công việc ổn định", chị Minh Trang (29 tuổi) chia sẻ.
Nguồn: Sức khỏe đời sống