Giá nhà cao “ngất ngưởng”
Thời gian qua, câu chuyện mua nhà, tăng giá nhà luôn là chủ đề được bàn luận nhiều nhất.
Nhiều người băn khoăn, khi giá nhà liên tục tăng cao thì phần lớn người đi làm ở thành phố - đối tượng đang phải thuê nhà sẽ đối diện “áp lực kép” bởi vừa lo chi trả tiền thuê nhà vừa mong tiết kiệm tiền để mua nhà riêng: “Giá nhà càng tăng cao đồng nghĩa chất lượng cuộc sống của người dân đang đi xuống. Vì họ làm và tiết kiệm tới vài chục năm vẫn khó mà mua được nhà”; “mua nhà ở thành phố với người trẻ chúng tôi, giờ đây chẳng khác gì câu chuyện “trèo cột mỡ”"...
thời gian vừa qua có hiện tượng nhiều cá nhân kinh doanh bất động sản nhỏ lẻ, không thành lập doanh nghiệp có mục đích đầu cơ “ôm” nhà, “ôm” đất để kích giá thành trên thị trường.
Mới đây, theo báo cáo thị trường bất động sản của Dat Xanh Services về thị trường BĐS những tháng cuối năm 2024, giá nhà ở tại các đô thị lớn dự báo tăng thêm khoảng 5-10% vào nửa cuối năm nay, nguyên nhân do nhu cầu đầu cơ của những người đã có nhà là rất lớn.
Tương tự, ông Nguyễn Quốc Khánh, Phó Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS) cũng nhấn mạnh, thị trường khan hiếm nguồn cung lại có thêm nhóm đầu cơ lớn khiến khả năng tiếp cận nhà ở của phần đông người dân ngày càng khó.
Thực tế, mặc dù dù hai địa phương là Hà Nội và TP.HCM có giá nhà ở với mức độ trung bình trong khu vực, nhưng lại chênh lệch khá lớn so với thu nhập của người dân.
Dẫn số liệu từ báo cáo chỉ số về khả năng chi trả nhà ở tại châu Á - Thái Bình Dương 2023 của Viện nghiên cứu và giáo dục phi lợi nhuận (ULI, 2023), tại TP.HCM giá nhà trung bình khoảng 296.063 USD (tương đương 7,5 tỉ đồng), trong khi đó thu nhập trung bình của một hộ gia đình chỉ ở mức 9.120 USD/năm (khoảng 231 triệu đồng).
Còn tại Hà Nội, các chỉ số tương ứng là 182.290 USD (tương đương 4,6 tỉ đồng) và 9.967 USD/năm (khoảng 253 triệu đồng).
Điều này dẫn tới chỉ số chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập tại TP.HCM đang ở mức 32,5 lần, cao thứ hai trong khu vực, chỉ sau Thâm Quyến là 35 lần. Mức này thậm chí còn cao hơn cả Bắc Kinh (29,3 lần), Thượng Hải (24,1 lần) và Hong Kong - Trung Quốc là 26,5 lần.
Còn tại Hà Nội, chỉ số này là 18,3 lần, cao hơn Seoul là 17,3 lần, Tokyo là 16,1 lần và nhà ở thương mại Singapore là 13,7 lần.
Trước tình trạng giá đất tăng cao “ngất ngưởng” như hiện nay, nhiều chuyên gia khuyến nghị các đơn vị phát triển bất động sản có dự án mới đang trong giai đoạn nghiên cứu, nên chủ động chuyển sang phân khúc giá bình dân, sản phẩm để sử dụng, ít mang tính đầu cơ để dễ bán khi tung ra thị trường.
Đối với Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản, Bộ Xây dựng cũng đã có nghị định quy định chung Luật Nhà ở; Phát triển nhà ở xã hội; Cải tạo chung cư cũ; Luật kinh doanh bất động sản; Hệ thống thông tin về thị trường bất động sản. Các nghị định này đã được hoàn chỉnh và sẵn sàng trình ban hành, đảm bảo thực thi khi Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh Bất động sản có hiệu lực từ 1/8. Hy vọng, khi các luật mới có hiệu lực sẽ giúp cân bằng giá cả, minh bạch, tạo điều kiện thuận lợi cho người mua nhà.
Theo đánh giá của Viện hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, chênh lệch giữa giá nhà và thu nhập của người dân ngày càng lớn, tiềm ẩn nguy cơ là suy giảm năng lực cạnh tranh quốc gia, khi mà người lao động có nhu cầu gia tăng lương liên tục để có cơ hội theo kịp với sự gia tăng của giá nhà ở.
Theo cơ quan này, sự tăng giá trên thị trường bất động sản ở các thành phố lớn sẽ không có lợi cho nền kinh tế thực. Lý do là vì sự tăng giá này không kéo theo những khoản đầu tư, xây dựng nhà cửa mới, để tạo thêm công ăn việc làm, mà chỉ là hành vi mua đi, bán lại mặt hàng đã có trên thị trường.
“Mắc kẹt” vì bán chung cư
Giá nhà tăng khiến giấc mơ an cư của người dân gặp khó khăn, đặc biệt với những người lao động thu nhập thấp. Bên cạnh đó, thị trường còn xuất hiện nhiều trường hợp khi thấy giá nhà tăng cao trước đó, chủ nhà đã quyết định rao bán thu tiền về. Nhưng sau một thời gian, giá căn nhà ấy vẫn tăng “ầm ầm” theo thị trường. Theo đó, bây giờ muốn hỏi mua lại chính căn nhà mình vừa bán cũng gặp khó khăn.
Một cặp vợ chồng tại Hà Nội chia sẻ, năm 2018, từ số tiền tích cóp và hỗ trợ của hai bên nội ngoại, vợ chồng tôi mua một căn chung cư ở Hà Đông diện tích 64m2 giá 1,3 tỷ đồng, tức khoảng hơn 20 triệu đồng/m2.
“Ở được 2 năm, khi ấy, tổng thu nhập cả hai vợ chồng mới được 20 triệu đồng/tháng, con cái lớn dần khiến chi phí học hành tăng lên. Vừa lúc đang tính bài toán kinh tế thì có người anh họ rủ kinh doanh online nên chúng tôi nghỉ việc để buôn bán. Để có vốn làm ăn, chúng tôi quyết định bán căn hộ, đi ở nhà thuê gần kho hàng để tiện buôn bán luôn. Khi bán căn chung cư, giá chỉ chênh không đáng kể so với lúc mua, được hơn 1,4 tỷ đồng”.
Dịch Covid-19 tuy ảnh hưởng tới nhiều người kinh doanh truyền thống nhưng lại là lợi thế của bán hàng online. Vì thế, việc buôn bán cũng không gặp quá nhiều khó khăn. Đến năm 2023, sau 3 năm buôn bán online, cặp vợ chồng này tiết kiệm được 1,1 tỷ đồng. Lúc này, tình hình kinh doanh không còn thuận lợi, thị trường bão hòa, cạnh tranh cao, sức mua giảm sút. Họ suy nghĩ, nếu dùng số tiền hơn 1 tỷ này để mở rộng kinh doanh sẽ rất rủi ro. Thay vào đó, họ tính dùng để mua nhà sẽ hợp lý hơn, thiếu đâu sẽ vay thêm.
“Vô tình, trong quá trình tìm mua nhà chúng tôi bắt gặp chính căn nhà chúng tôi đang đã bán trước đó nhưng giá giờ đã chênh rất lớn so với thời điểm chúng tôi bán. Vợ chồng tôi vô cũng bất ngỡ, thậm chí còn nghĩ rằng mình đã bán hớ. Hiện tại, vợ chồng tôi đã tạm hoãn việc mua nhà, chờ đợi giá giảm không thể liều mua khi giá chung cư vẫn còn neo cao”, người vợ chia sẻ.
Một cặp vợ chồng khác quê Hưng Yên đang thuê nhà tại Hai Bà Trưng (Hà Nội). Được biết, hai vợ chồng chị đều làm văn phòng, có tổng thu nhập trung bình khoảng 50 triệu đồng/tháng. Mỗi tháng, sau khi trừ các khoản chi phí thuê nhà và sinh hoạt thiết yếu, gia đình anh chỉ để ra được khoảng 20% số tiền trên, tương đương khoảng 10 triệu đồng mỗi tháng.
Người này cho biết, thu nhập của gia đình anh đã thuộc diện khá so với nhiều người bạn cùng cảnh ở trọ, tuy nhiên khi thị trường BĐS ngày một tăng cao, để tiết kiệm tiền mua nhà thì dường như vẫn còn là “giấc mơ xa”.
"Trừ các khoản chi tiêu cố định, mỗi năm vợ chồng tôi chỉ tiết kiệm được khoảng 100 -150 triệu đồng. Để mua một căn hộ chung cư cũ ở ven thành phố thì cũng cần mức tài chính khoảng 3 tỷ đồng. Thực sự, mua nhà đang là câu chuyện không tưởng với chúng tôi” – người này chia sẻ.
An Nhiên/Chất lượng cuộc sống