Ngôi nhà không chỉ mang giá trị lịch sử và kiến trúc độc đáo mà còn được biết đến rộng rãi qua tác phẩm điện ảnh quốc tế Người tình (L’Amant).
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là một công trình kiến trúc đặc sắc và giàu giá trị lịch sử, được xây dựng vào năm 1895 bởi ông Huỳnh Cẩm Thuận, một thương gia buôn gạo giàu có bậc nhất Sa Đéc thời bấy giờ.
Ngôi nhà cổ được biết đến như một công trình kiến trúc tiêu biểu, phản ánh rõ nét sự giao thoa văn hóa của miền Nam Việt Nam vào cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê nằm trên khu đất rộng hơn 2.000m2, với diện tích nền 260m2, là sự kết hợp tinh tế giữa các phong cách kiến trúc truyền thống Á Đông và hiện đại phương Tây, tạo nên một tổng thể hài hòa và đầy ấn tượng.
Kiến trúc nội thất của ngôi nhà được thiết kế cầu kỳ và tinh xảo, mỗi không gian đều mang đậm dấu ấn của sự giàu có và gu thẩm mỹ xa hoa thời bấy giờ.
Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê là minh chứng sống động cho sự pha trộn văn hóa giữa truyền thống Á Đông và tinh hoa phương Tây, không chỉ trong kiến trúc mà còn trong lối sống và tư duy của gia chủ.
Với giá trị kiến trúc và văn hóa đặc biệt, nhà cổ Huỳnh Thủy Lê đã được công nhận là Di tích Lịch sử cấp tỉnh vào năm 2008 và là Di tích Lịch sử cấp Quốc Gia vào năm 2009.
Nhân chứng câu chuyện tình buồn
Không chỉ nổi tiếng với kiến trúc độc đáo, Nhà cổ Huỳnh Thủy Lê còn gắn liền với câu chuyện tình lãng mạn nhưng đầy ngang trái giữa ông Huỳnh Thủy Lê và nữ văn sĩ người Pháp Marguerite Duras.
Mối tình này bắt đầu từ cuộc gặp gỡ trên chuyến phà Mỹ Thuận năm 1929, khi đó Marguerite mới chỉ 15 tuổi và ông Huỳnh Thủy Lê 23 tuổi.
Tình yêu nồng cháy giữa cô nữ sinh Pháp trẻ và chàng công tử nhà giàu đã bị gia đình cấm cản vì sự chênh lệch về địa vị xã hội.
Ngày ông Huỳnh Thủy Lê kết hôn theo sự sắp đặt của gia đình, Marguerite đã lặng lẽ chứng kiến từ xa trong nỗi đau khôn nguôi. Từ đó, bà rời khỏi Sa Đéc, nhưng những ký ức về mối tình đầu đã theo bà suốt đời và trở thành nguồn cảm hứng để bà viết nên cuốn tiểu thuyết tự truyện Người tình (L'Amant).
Tác phẩm xuất bản năm 1984 đã gây tiếng vang lớn trong giới nghệ thuật, được dịch ra hơn 40 ngôn ngữ và chuyển thể thành phim vào năm 1992, giúp hình ảnh nhà cổ Huỳnh Thủy Lê trở nên quen thuộc với công chúng trong nước và quốc tế.
Hiện tại, nhà cổ đã trở thành một điểm du lịch nổi bật, thu hút du khách bởi sự giao thoa tinh tế giữa kiến trúc Việt - Hoa - Pháp cùng câu chuyện tình yêu vượt thời gian.
Nguồn: Đời sống pháp luật