Một trong những rào cản dẫn đến tốc độ phát triển nhà ở xã hội chậm chạp là trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, xác định điều kiện mua, thuê nhà ở xã hội còn phức tạp và kéo dài; các chính sách ưu đãi cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân đã ban hành chưa đủ hấp dẫn…
Mặt khác, những hạn chế về giới hạn tỷ suất lợi nhuận cũng khiến dự án nhà ở xã hội kém hấp dẫn hơn các loại hình nhà ở thương mại.
Cùng với đó, nhiều địa phương còn chưa xác định rõ quỹ đất cho phát triển nhà ở xã hội trong quy hoạch đô thị, khu công nghiệp.
Ngoài quỹ đất 20% nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại thì hầu hết các địa phương chưa quan tâm đến việc quy hoạch bố trí quỹ đất làm dự án nhà ở xã hội độc lập…
Bên cạnh những rào cản từ pháp lý, thủ tục… thì vốn tín dụng ưu đãi cho cả chủ đầu tư lẫn người mua nhà cũng đang là rào cản lớn khiến việc phát triển nhà ở xã hội chưa đạt được như kỳ vọng.
Những vướng mắc về pháp lý, thủ tục hành chính, nguồn cung nhà ở xã hội... đã được “lộ diện”.
Tuy nhiên, để thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội thì việc giảm lãi suất ngân hàng, tăng khả năng tiếp cận vốn vay ưu đãi của người có thu nhập thấp là điều rất quan trọng và “điểm nghẽn” này cần được khơi thông.
Theo dữ liệu từ Tiền Phong, TS. Nguyễn Trí Hiếu - chuyên gia ngân hàng nhận định, gói 120.000 tỷ đồng sẽ khó khả thi bởi lãi suất cho vay 8%/năm là quá cao so với khả năng chi trả của người lao động có thu nhập thấp.
Hơn nữa, sau 5 năm, lãi vay được thỏa thuận giữa ngân hàng và khách hàng, đây là điều rất rủi ro đối với công nhân nên cần có hỗ trợ từ ngân sách.